Bệnh tay chân miệng: Không chỉ lây qua đường hô hấp mà còn lây qua tiêu hóa

Anh Dũng
04/12/2020 - 13:50
Bệnh tay chân miệng: Không chỉ lây qua đường hô hấp mà còn lây qua tiêu hóa
Tay chân miệng là bệnh có tốc độ nhiễm khá nhanh và có thể trở nên nguy hiểm khi có biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... vô cùng nguy hiểm. Vậy con đường lây lan của bệnh từ đâu?

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm thường trở thành dịch bệnh vào mùa hè và đầu mùa thu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dịch bệnh có thể diễn ra quanh năm do địa lý nằm ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Bệnh tuy nhẹ nhưng có tốc độ lây nhiễm nhanh và các biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ. Chính vì vậy, việc tìm hiểu rõ con đường lây lan của bệnh tay chân miệng là một điều cần thiết để có thể phòng tránh bệnh hiệu quả.

Tay chân miệng có tên tiếng Anh là Hand, Foot, and Mouth Disease. Đây là một căn bệnh nhiễm siêu vi thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên người lớn vẫn có thể mắc căn bệnh này. Bệnh xảy ra bất cứ thời gian nào nhưng thời điểm bùng dịch là từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.

Những con đường lây lan của bệnh tay chân miệng bạn có thể không ngờ đến - Ảnh 2.

Các mụn nước phồng rộp là dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên thường gặp nhất là do coxsackie virus, enterovirus 71 và các enterovirus khác. Khi mắc phải, người bệnh có thể có những triệu chứng điển hình như sốt, nổi các mụn nước hoặc vết phồng rộp bên trong miệng và ngoài da.

Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào cho căn bệnh tay chân miệng. Quá trình điều trị chủ yếu là để hỗ trợ và làm giảm bớt sự khó chịu do bệnh gây ra. Chính vì vậy, mọi người cần tìm hiểu kỹ về con đường lây lan của bệnh tay chân miệng để có thể phòng bệnh một cách chính xác nhất.

Con đường lây lan của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh có tốc độ nhiễm khá nhanh và có thể trở nên nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị. Tìm hiểu con đường lây lan của bệnh:

1. Lây lan bệnh qua đường hô hấp

Các chuyên gia y tế đã chứng minh được rằng các loại virus gây nên bệnh tay chân miệng có thể được tìm thấy trên dịch tiết đường hô hấp và phân của người bị nhiễm bệnh. Trong đó các dịch tiết như nước bọt, đờm, nước mũi là những con đường dễ lây nhiễm hơn cả.

Bệnh có thể truyền từ người qua người do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng cũng có thể bị lây do tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt chứa dịch tiết có virus.

Con đường lây qua đường hô hấp của tay chân miệng từ trực tiếp đến tiếp xúc gián tiếp.

2. Bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa

Virus gây bệnh tay chân miệng ngoài việc có thể xâm nhập vào cơ thể người qua con đường đường hô hấp thì còn có thể lây lan bệnh qua đường tiêu hoá.

Trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm tay chân miệng nhất do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn yếu (Ảnh: Internet)

Trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm tay chân miệng nhất do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn yếu (Ảnh: Internet)

Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh do ăn, uống, tiếp xúc với các nguồn thực phẩm, các đồ vật không được làm sạch thường xuyên, có chứa virus hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thêm, khi virus phát tán ra ngoài, chúng tồn tại khá lâu trong môi trường. Khả năng bám lên các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, quần áo..., sàn nhà hay đồ chơi của trẻ là rất cao. Những người có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu rất dễ nhiễm bệnh.

Bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày. Trong thời gian này, người đã bị nhiễm virus vẫn có thể truyền virus sang cho người khác. Khả năng lây lan cho người khỏe mạnh cao nhất trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Và khả năng lây lan ra ngoài môi trường này vẫn được tiếp tục kéo dài vài tuần sau đó.

Các virus gây bệnh như virus Coxsackie virus A16, Enterovirus 71 (EV71), một số chủng virus nhóm A như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) có thể được tìm thấy cả trong dịch hầu họng và phân của người mắc bệnh. Những virus này xâm nhập cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống bạch huyết và phát triển rất nhanh, gây ra các tổn thương cho cơ thể

Một điểm cần đặc biệt lưu ý là cả những người đã nhiễm virus nhưng không có triệu chứng cũng có khả năng lan truyền mầm bệnh. Hơn nữa, bệnh tay chân miệng không lan truyền qua các thú nuôi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và người mắc có thể tái phát nhiều lần cho đến khi có miễn dịch hoàn toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm