Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Hiểu để chủ động phòng ngừa, bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ

Tiểu Quyên
16/12/2020 - 14:13
Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Hiểu để chủ động phòng ngừa, bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ
Tay chân miệng ở phụ nữ mang thai ít gặp và thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, thai phụ nên chủ động phòng tránh tay chân miệng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé suốt thai kỳ.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn và phụ nữ mang thai. Tay chân miệng ở phụ nữ mang thai không phổ biến và không quá nguy hiểm nhưng thai phụ vẫn cần lưu ý chủ động phòng ngừa.

1. Coxsackievirus - virus gây tay chân miệng ở phụ nữ mang thai

Có nhiều chủng coxsackievirus khác nhau, trong đó coxsackievirus A16 thường là thủ phạm gây ra bệnh tay chân miệng. Coxsackievirus thực chất là một loại virus trong họ enterovirus.

Coxsackievirus gây bệnh tay chân miệng phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng nó cũng là tác nhân gây tay chân miệng ở phụ nữ mang thai. Virus này phổ biến ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á.

Virus này thường không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai hoặc cho thai nhi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp tay chân miệng ở phụ nữ mang thai gây biến chứng.

Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Dấu hiệu, nguy cơ và phương án phòng ngừa - Ảnh 1.

Tay chân miệng ở phụ nữ mang thai ít gặp và thường không quá nguy hiểm - Ảnh: SHUTTERSTOCK

2. Các triệu chứng tay chân miệng ở phụ nữ mang thai

Đối với trẻ nhỏ, tay chân miệng thường gây ra các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau họng, xuất hiện các vết loét ở tay và miệng. Sau đó, các vết phát ban có thể xuất hiện ở trên bàn tay, khuỷu tay, bàn chân hoặc vùng sinh dục.

Còn đối với tay chân miệng ở phụ nữ mang thai, thai phụ có thể không có bất kì triệu chứng rõ rệt nào. Hoặc các dấu hiệu vô cùng nhỏ như sốt, thấy một vài nốt phát ban.

3. Tay chân miệng ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

Theo PGS.TS Phạm Nhật An, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Cho đến nay chưa có một bằng chứng gì về các mối nguy hiểm gì đối với bà mẹ mang thai khi bị nhiễm virus tay chân miệng.”

Các loại virus gây bệnh tay chân miệng rất phổ biến và người lớn kể cả phụ nữ mang thai thường tiếp xúc với chúng mà không có triệu chứng nào rõ rệt. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng khi mang thai đều gây ra bệnh nhẹ hoặc không gây bệnh cho người mẹ.

Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Dấu hiệu, nguy cơ và phương án phòng ngừa - Ảnh 2.

Vi rút coxsackievirus thường không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai hoặc cho thai nhi - Ảnh: wmmc

Không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai gây ra các nguy cơ xấu cho thai kỳ, chẳng hạn như sảy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, những bà mẹ bị nhiễm bệnh trong thời gian ngắn trước khi sinh có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh.

Trẻ sinh ra từ những bà mẹ có các triệu chứng của bệnh do virus đường ruột gây nên vào khoảng thời gian sắp sinh thường có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh hơn.

Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virus enterovirus gây nên tay chân miệng ở phụ nữ mang thai đều bị bệnh nhẹ; nhưng trong một số trường hợp vô cùng hiếm hoi, chúng có thể bị nhiễm trùng nặng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan, tim và có nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng. Nguy cơ trẻ sơ sinh mắc những bệnh nghiêm trọng này cao hơn trong hai tuần đầu đời của trẻ.

4. Chẩn đoán và điều trị tay chân miệng ở thai phụ

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tay chân miệng dựa trên các triệu chứng và thường không cần phải dùng xét nghiệm. Và đối với phụ nữ mang thai, tay chân miệng thường không cần điều trị. Bác sĩ thường chỉ định dùng paracetamol để làm dịu cảm giác khó chịu và giúp hạ sốt nếu có.

Trong trường hợp thai phụ cảm thấy đau đầu dữ dội hoặc mệt mỏi nhiều, nên lập tức đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị mới.

Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Dấu hiệu, nguy cơ và phương án phòng ngừa - Ảnh 3.

Đối với phụ nữ mang thai, tay chân miệng thường không cần điều trị - Ảnh: intermountainhealthcare

5. Phòng ngừa tay chân miệng ở phụ nữ mang thai

Bệnh tay chân miệng và các tình trạng khác do họ coxsackievirus gây ra thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Đó là lý do tại sao nhiều khả năng bạn sẽ tiếp xúc với vi rút trong khi chăm sóc trẻ.

"Do virus tay chân miệng lây qua tiêu hóa (ăn uống), vì vậy, bà bầu cần phải thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay sạch dưới vòi nước. Nếu phụ nữ mang thai phải thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, có thể phòng tránh lây bệnh bằng cách đeo găng tay khi cho trẻ ăn và đi vệ sinh. Sau đó, rửa tay lại với xà phòng sát khuẩn", PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cho biết.

Nói cách khác, nếu bạn đang mang thai và có con nhỏ bị mắc tay chân miệng, dưới đây là một số mẹo giúp bạn có thể phòng ngừa khả năng lây bệnh tay chân miệng ở trẻ:

- Rửa tay thường xuyên: Cố gắng rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ hoặc đi đến nơi công cộng về.

- Mang khẩu trang: Một số bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đeo khẩu trang nếu có con nhỏ bị sổ mũi và ho. Các dịch do trẻ ho hoặc hắt xì có thể dính vào bạn hoặc bạn hít phải bất kể bạn có rửa tay thường xuyên như thế nào.

- Không chạm vào mụn nước trên da trẻ: Điều rất quan trọng là không được chạm vào mụn nước của con bạn, dịch ở trong các nốt mụn có thể gây lây nhiễm tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai: Dấu hiệu, nguy cơ và phương án phòng ngừa - Ảnh 4.

Nên uống nhiều nước khi mang thai, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào của vi rút - Ảnh: parenting.firstcry

- Không hôn trẻ hoặc dùng chung đồ với trẻ mắc tay chân miệng: Nụ hôn dành cho trẻ quả thật là điều ngọt ngào, thế nhưng bạn nên tạm dừng làm điều đó khi bạn mang thai và con bạn đang mắc tay chân miệng. Nước bọt của trẻ có thể làm lây lan căn bệnh này sang cho bạn.

- Uống đủ nước: Mất nước luôn làm cơ thể đối diện với nguy cơ nhiễm trùng khi mang thai. Nó cũng có thể gây ra các biến chứng khác như cơn gò hoặc chuyển dạ sớm. Nên uống nhiều nước khi mang thai, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào của virus.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm