pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh Than đang quay trở lại Việt Nam nguy hiểm như thế nào?
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh Than có tổng cộng 3 thể: thể da, thể phổi (hô hấp) và thể tiêu hóa. Bệnh Than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương miệng - họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa. Do đó, bệnh Than thể da là phổ biến nhất.
Ở mỗi thể, mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Ở thể da, khi da bị nhiễm trùng, sau đó ngứa và tổn thương, nổi những nốt sần, mụn nước và phát triển rất nhanh thành những vết loét màu đen chỉ từ 2 đến 4 ngày. Nốt loét thường do phù hoặc bội nhiễm, không gây đau.
Đối với thể da, cánh tay và đầu thường là những nơi dễ bị tổn thương nhất. Những người bị bệnh Than thể da thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh Than thể da không được điều trị từ 5 đến 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.
Ngoài bệnh than thể da, thì bệnh than thể phổi còn có các triệu chứng khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với nhiễm khuẩn đường hô hấp thông thường. Đây là dạng bệnh Than nguy hiểm nhất và có thể gây ra tử vong từ 3 đến 5 ngày với các triệu chứng sốt và sốc.
Bệnh Than thể ruột hiếm gặp và khó phát hiện, triệu chứng thường giống với ngộ độc thức ăn hoặc đau bụng dữ dội, nhiễm khuẩn huyết và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Về cấp độ nguy hiểm, bệnh Than thể da dễ điều trị nhất; thể hô hấp diễn biến rất nhanh và nặng thường dẫn tới suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc, viêm màng não cần được cấp cứu điều trị tích cực từ đầu; thể dạ dày - ruột khó điều trị hơn thể da, tuy không nặng bằng thể hô hấp, nhưng cũng có thể dẫn đến mất nước điện giải, mất máu, nhiễm khuẩn huyết, thủng ruột.
Tác nhân gây bệnh là gì? Thời gian ủ bệnh trong bao lâu?
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây bệnh Than là từ trực khuẩn Than (Bacillus anthrasis) thường xuất hiện nhiều ở Châu Á, Châu Phí, Nam Mĩ...
Môi trường khí hậu, đất, nước, động vật là điều kiện thích hợp để khuẩn Than sinh sống, càng khắc nghiệt càng dễ sinh sôi. Nguồn lây nhiễm bệnh thường là động vật ăn cỏ bao gồm cả động vật hoang dã cũng như gia súc. Vi khuẩn có thể sống sót trong đất nhiều năm sau khi động vật bị bệnh được tiêu hủy. Da động vật bị nhiễm trực khuẩn mặc dù đã được chế biến vẫn có thể là nơi trú ngụ của bào tử trong nhiều năm và là vật truyền bệnh trên toàn thế giới.
Bệnh Than chủ yếu lây truyền do tiếp xúc với các mô của động vật có trực khuẩn Than hoặc chết do bệnh Than. Bệnh Than thể da có thể nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải…
Lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh hoặc do sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật bị nhiễm khuẩn dùng cho việc chăm bón vườn tược. Do vậy những người thường xuyên tiếp xúc với động vật hoang dã, đất, nước, làm vườn, đi rừng... thường có nguy cơ cao mắc bệnh hơn người bình thường. Bệnh Than thể ruột bắt nguồn từ việc ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn, không có bằng chứng cho thấy bệnh có thể lây nhiễm qua sữa động vật nhiễm khuẩn.
Thời gian ủ bệnh chỉ từ một vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, hoặc trước đó có tiền sử tiếp xúc với với tác nhân nghi ngờ, cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.