pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh tiêu chảy là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 1. Bệnh tiêu chảy là gì?
- 2. Phân loại bệnh tiêu chảy
- 3. Nguyên nhân bệnh tiêu chảy là gì?
- 4. Triệu chứng bệnh tiêu chảy
- 5. Những biến chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy cấp
- 6. Các biện pháp điều trị bệnh
- 7. Nguyên tắc ăn uống khi mắc bệnh tiêu chảy
- 8. Phòng tránh bệnh tiêu chảy
- 9. Những câu hỏi thường gặp về bệnh tiêu chảy
- 10. Những hình ảnh chung về bệnh tiêu chảy
Tình trạng tiêu chảy thường xuất hiện vào mùa hè và có thể bùng phát thành dịch nếu không điều trị kịp thời. Nghiêm trọng hơn, bệnh kéo dài có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như mất nước, suy dinh dưỡng, suy thận…
1. Bệnh tiêu chảy là gì?
Thông thường, thức ăn sau 2 - 3 ngày sẽ được cơ thể hấp thu triệt để nước và các chất dinh dưỡng. Còn các chất cặn bã sẽ được thải ra ngoài. Do đó, một người khỏe mạnh có thể đi đại tiện 1 đến 2 lần mỗi ngày, phân thành khuôn, không lỏng hoặc nát.
bệnh tiêu chảy là gì? Tiêu chảy là một tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày. Bệnh được chia thành 2 dạng là tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính. Trong đó, tiêu chảy cấp xảy ra khi cơ thể bị dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn do E.coli, tả, lỵ, thương hàn, virus Rota… Tình trạng này có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần.
Đối với tiêu chảy mạn tính, bệnh sẽ tái đi tái lại trong một khoảng thời gian dài và kèm theo các biểu hiện như đau bụng, đầy hơi, phân sống, đi ngoài có máu, buồn nôn, quặn thắt đại tràng… Lúc này, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể và việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
2. Phân loại bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy cấp tính được Tổ chức Vị tràng học Thế giới (World Gastroenterology Organisation) phân chia thành 4 loại chính bao gồm:
2.1. Tiêu chảy do bị kích thích bài tiết
Đây là tình trạng tiêu chảy do tăng sự kích thích hoặc do cơ thể không dung nạp được. Nguyên nhân chủ yếu của loại tiêu chảy này là do độc tố của khuẩn tả làm kích thích bài tiết ion âm, đặc biệt là ion clorua. Tình trạng tiêu chảy này vẫn tiếp tục kể cả khi không ăn.
2.2. Tiêu chảy thẩm thấu
Loại tiêu chảy này xuất hiện khi có quá nhiều nước được kéo vào ruột. Nếu một người uống nước có quá nhiều đường hay quá nhiều muối, những thứ này có thể kéo nước từ cơ thể vào trong ruột và gây nên tiêu chảy thẩm thấu. Tiêu chảy thẩm thấu cũng có thể do tiêu hóa kém ở bệnh nhân mắc bệnh về tụy hoặc bệnh Coeliac, khi đó các chất dinh dưỡng bị bỏ lại trong ruột kéo theo nước. Hoặc tiêu chảy có thể do các thuốc nhuận tràng thẩm thấu gây ra, loại thuốc này làm giảm tình trạng táo bón bằng cách kéo nước vào ruột.
Đối với những người khỏe mạnh, dùng quá nhiều magie hoặc vitamin C hay đường lactose khó tiêu hóa cũng có thể gây ra tiêu chảy thẩm thấu và chứng sưng ruột. Đối với những người hấp thu kém fructose, việc tiêu thụ quá nhiều fructose cũng có thể dẫn đến tiêu chảy. Những thực phẩm chứa nhiều fructose cũng đồng thời chứa lượng lớn đường glucose sẽ dễ hấp thu hơn và ít gây tiêu chảy hơn.
Ngoài ra, các loại rượu có đường như sorbitol (thường có trong các thực phẩm không chứa đường) thường khó làm cơ thể hấp thu và nếu dùng lượng lớn có thể khiến bị tiêu chảy thẩm thấu. Phần lớn những trường hợp này, tiêu chảy thẩm thấu sẽ ngưng nếu các tác nhân gây tiêu chảy không được nạp vào cơ thể nữa.
2.3. Tiêu chảy rỉ mủ
Khi bệnh nhân mắc tiêu chảy loại này, trong phân sẽ có máu và mủ. Loại tiêu chảy rỉ mủ này thường do các bệnh viêm đường ruột, như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng và những bệnh nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng như E.coli, hay những dạng ngộ độc thực phẩm gây ra.
2.4. Kiết lỵ
Tiêu chảy có kèm máu thấy rõ trong phân, tiêu chảy này gọi là kiết lỵ. Máu là dấu hiệu cho thấy mô ruột bị xâm lấn. Bị lỵ là một trong các triệu chứng của bệnh Shigella, Entamoeba histolytica, và Salmonella.
3. Nguyên nhân bệnh tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng và hầu hết các đợt sẽ kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Một số lý do phổ biến nhất khiến bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy bao gồm:
- Nhiễm virus như rotavirus, vi khuẩn như salmonella và hiếm khi là ký sinh trùng như giardia. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở trẻ.
- Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh chóng gồm nôn mửa và có xu hướng hết trong vòng 24 giờ.
- Các nguyên nhân khác của tiêu chảy bao gồm như bệnh ruột kích thích, bệnh Crohn, dị ứng thực phẩm và bệnh celiac.
- Khối u thần kinh - khối u thường xuất phát từ trong đường tiêu hóa.
- Bệnh Hirschsprung - là bệnh bẩm sinh có tình trạng khi trẻ được sinh ra bị thiếu các tế bào thần kinh trong cơ bắp của một phần hoặc toàn bộ đại tràng.
- Xơ nang - Là bệnh di truyền dẫn đến sự tích tụ chất nhầy dày ngăn cản cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
- Rối loạn tiêu hóa bạch cầu ái toan - một nhóm bệnh phức tạp đặc trưng bởi lượng tế bào bạch cầu cao hơn bình thường, được gọi là bạch cầu ái toan, trong các cơ quan trong hệ thống tiêu hóa.
- Thiếu kẽm.
Đường lây truyền bệnh tiêu chảy:
- Khi chạm vào phân của người bị nhiễm bệnh (ví dụ như: chạm vào tã bẩn).
- Chạm vào đồ vật bị nhiễm phân của người bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn và sau đó tay bị nhiễm chạm vào miệng hay thực phẩm.
- Sử dụng các thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
4. Triệu chứng bệnh tiêu chảy
Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiêu chảy là:
- Phân lỏng.
- Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn.
- Đầy hơi, buồn nôn và ói mửa.
- Đau đầu, chóng mặt.
- Ăn mất ngon.
- Khát nước liên tục.
- Sốt, mất nước.
- Phân có máu.
- Lượng phân nhiều.
- Đi tiêu nhiều lần hoặc tiêu són, mót rặn.
- Da lạnh, khô da.
- Người mệt mỏi.
Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm đúng cách điều trị bệnh.
5. Những biến chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy cấp
Biến chứng của bệnh tiêu chảy là gì, không phải ai cũng hiểu rõ, dưới đây là những biến chứng có thể gặp khi bị bệnh:
- Tiêu chảy nếu không được bù nước kịp thời và đủ nước gây mất nước nặng sẽ làm trẻ kiệt nước có thể gây tử vong.
- Tiêu chảy gây suy thận cấp cũng có thể dẫn đến tử vong.
- Suy dinh dưỡng do trẻ ăn ít trong thời gian bệnh.
6. Các biện pháp điều trị bệnh
Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy là gì sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi và sức khỏe nói chung, mức độ nghiệm trọng của bệnh nhân.
Mất nước là mối quan tâm chính đối với bệnh tiêu chảy. Do đó, việc quan trọng nhất và cần thực hiện đầu tiên là phải bù nước, chất điện giải kịp thời. Tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội hoặc sử dụng dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, có thể uống các loại nước khác như: nước cháo loãng, nước gạo rang, nước cơm…
Trong trường hợp bị tiêu chảy nặng, lượng nước mất hơn 5% trọng lượng cơ thể, việc bù nước bằng đường uống không đáp ứng đủ thì phải truyền tĩnh mạch. Lưu ý, bệnh nhân không được tự ý truyền nước ở nhà mà phải đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Đối với trường hợp bị tiêu chảy nhẹ thì tình trạng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng một vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện, người bệnh bị nôn, đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội, sốt cao liên tục thì cần thăm khám và thực hiện xét nghiệm phân để tìm ra nguyên nhân.
Căn cứ vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tiêu chảy với các loại thuốc tiêu chảy phù hợp. Nếu bệnh nhân bị nhiễm lỵ trực khuẩn, E.coli, Salmonella thì có thể sử dụng kháng sinh như: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Pefloxacin… Trường hợp nhiễm khuẩn tả có thể sử dụng Tetracyclin, Cloramphenicol hoặc Biseptol.
7. Nguyên tắc ăn uống khi mắc bệnh tiêu chảy
Khi tiêu chảy mà ăn phải các thực phẩm khó tiêu sẽ làm hệ tiêu hóa khó hấp thụ chất dinh dưỡng, càng làm tình trạng tiêu chảy thêm trầm trọng. Các loại thực phẩm nên dùng là gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt. Với nhóm thực phẩm bổ sung đạm, người bệnh tiêu chảy nên chọn thịt gà, lợn nạc, dầu thực vật. Ngoài ra, nên ăn các loại trái cây như chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo...
Bên cạnh đó, bánh mì nướng cũng có tác dụng ngăn triệu chứng tiêu chảy. Tinh bột trong bánh mì nướng đủ bổ sung năng lượng cho cơ thể, đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày. Sữa chua cũng được nhắc đến như là một thực phẩm chữa tiêu chảy hiệu quả. Trong sữa chua thường có các lợi khuẩn probiotic nên giúp bao tử dễ chịu, tiêu diệt vi khuẩn xấu. Tuy nhiên, những người bệnh tiêu chảy nặng cần lưu ý về việc sử dụng sữa chua theo chỉ định bác sĩ.
Để bù nước và chất điện giải, người bệnh tiêu chảy nên bổ sung nước khoáng, nước gạo rang, nước cơm và nước rau quả. Chuyển thức ăn lỏng dần sang thức ăn đặc. Cụ thể, thời gian đầu có thể chọn cháo lỏng, súp, sau đó chuyển sang ngũ cốc, bột khoai, khoai lang nghiền, thịt nạc băm...
Tránh các loại thức ăn dễ lên men, sinh hơi trong ruột và khó hấp thu như trứng, sữa, phô mai, thịt mỡ hoặc rau có nhiều xơ. Giờ ăn cũng rất quan trọng trong chế độ ăn uống, tùy thuộc theo tình trạng bệnh mà bác sĩ và người nhà bệnh nhân để sắp xếp giờ ăn hợp lí. Hạn chế việc bệnh nhân bỏ bữa vì sẽ khiến tình hình bệnh càng trầm trọng.
8. Phòng tránh bệnh tiêu chảy
Dưới đây là những phương pháp giúp phòng tránh bệnh tiêu chảy cần được thực hiện đúng và đầy đủ:
- Rửa tay đúng cách làm giảm sự lây lan của vi khuẩn có thể gây ra tiêu chảy.
- Tiêm vaccine rotavirus để ngăn ngừa tiêu chảy do rotavirus.
- Khi đi du lịch, hãy chắc chắn rằng bất cứ thức ăn và đồ uống đều an toàn. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn khi đi du lịch đến các nước đang phát triển.
- Không uống nước máy.
- Không uống sữa chưa tiệt trùng (do chưa diệt được các vi khuẩn gây tiêu chảy).
- Không ăn trái cây và rau tươi khi chưa được rửa sạch và gọt vỏ.
- Không ăn thịt hoặc cá chưa nấu chín.
- Không ăn thực phẩm từ người bán hàng rong.
9. Những câu hỏi thường gặp về bệnh tiêu chảy
9.1. Những ai thường bị tiêu chảy?
Tiêu chảy là một căn bệnh rất phổ biến, người lớn trung bình bị tiêu chảy bốn lần một năm. Tất cả mọi người, bất kể độ tuổi và giới tính đều có thể bị tiêu chảy. Bệnh có thể dao động từ mức độ nhẹ và tạm thời, cho đến mức độ nặng và có thể đe dọa tính mạng. Bị tiêu chảy kéo dài quá lâu mà không khỏi có thể là dấu hiệu của một bệnh nào đó chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích.
9.2. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh tiêu chảy là gì?
Ngoài một số bệnh gây ra tiêu chảy, một số thói quen hằng ngày sau đây cũng có thể gây ra tiêu chảy:
- Không thường xuyên rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Bảo quản thực phẩm không an toàn và hợp vệ sinh.
- Không làm sạch bếp thường xuyên.
- Nguồn nước không sạch.
- Ăn đồ ăn thừa chưa hâm nóng.
- Không rửa tay bằng xà phòng.
9.3. Khi nào bệnh nhân cần gặp bác sĩ?
Trường hợp tiêu chảy xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Tiêu chảy là bệnh nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng và đe dọa tính mạng chỉ trong một thời gian ngắn. Lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy trẻ đi tiểu ít, bị khô miệng và khô da, trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và buồn ngủ.
Ngoài ra cần đưa bé đi cấp cứu ngay nếu có các triệu chứng sau:
- Các triệu chứng của mất nước như tay chân lạnh, da nhợt nhạt, giảm lượng nước tiểu, lơ mơ, li bì.
- Sốt cao.
- Phân chứa máu và mủ.
- Phân đen.
Trường hợp tiêu chảy ở người lớn
Cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín nếu bệnh nhân có các triệu chứng sau đây:
- Phân đen hoặc trong phân có máu.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Mất ngủ.
- Tình trạng mất nước nghiêm trọng.
- Sụt cân.
Cơ địa của mỗi người khác nhau nên mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng rất khác nhau. Tốt nhất, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về tình trạng bệnh của bản thân để có những phương pháp điều trị thích hợp.