pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh viện Việt Đức hoãn mổ phiên: "Xót xa nhất là chuyện sinh mạng người bệnh"
Bệnh nhân và người thân tại Bệnh viện Việt Đức ngày 2/3. Ảnh: Nguyễn Long
Như PNVN đã phản ánh, từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã chính thức hạn chế mổ phiên (mổ theo kế hoạch) do thiếu vật tư, thiết bị y tế. Bệnh viện ưu tiên vật tư, hóa chất cho việc mổ và điều trị các trường hợp cấp cứu và bệnh nhân nặng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Bệnh viện Việt Đức phải hạn chế mổ phiên xuất phát từ nhiều vướng mắc trong quy định về mua sắm, về đấu thầu khiến việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua không thể thực hiện như: quy định về xác định giá đấu thầu; quy định về báo giá phải có của 3 nhà cung cấp trong khi thực tế chỉ có 1 nhà cung cấp; quy định về việc dừng sử dụng máy thiết bị y tế mượn (máy đặt) khiến nhiều máy móc hiện có không thể sử dụng...
Ngoài ra, trong công tác quản lý, ngành Y tế cũng có trách nhiệm do đã chậm trễ trong dự phòng, xử lý, đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế bởi vấn đề thiếu, hết thuốc, vật tư y tế của các bệnh viện công đã xuất hiện nhiều tháng nay.
Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, việc bảo đảm đầy đủ các thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh cũng chính là trách nhiệm những người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Điểm b Khoản 5 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với tổ chức từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi vi phạm: "Không bảo đảm đầy đủ các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp với hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh".
Tuy nhiên, theo quy định, có thể thấy chế tài xử phạt chỉ áp dụng đối với các trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, cũng không có quy định về việc cơ sở y tế luôn phải bảo đảm số lượng trang thiết bị, vật tư y tế như thế nào, trong khi việc các bệnh viện thiếu thốn thiết bị, vật tư y tế xuất hiện rất nhiều.
Theo luật sư Duy, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà còn gây rối loạn cho cả hệ thống y tế. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện hoàn toàn không phải do lỗi của bệnh nhân nhưng họ lại phải chịu thiệt thòi.
Nếu vấn đề này không được cải thiện thì câu chuyện tê liệt ngành y tế mới chỉ là một mặt của vấn đề. Vấn đề đau đớn nhất, xót xa nhất, cũng là hệ quả tồi tệ nhất mà có lẽ không một ai muốn nghĩ đến, đó là câu chuyện sinh mạng người bệnh. "Nếu có một người bệnh không may mất đi sự sống chỉ vì chuyện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thì đó không còn là câu chuyện của riêng ngành Y, nó còn là câu chuyện của toàn xã hội, câu chuyện của lương tri", luật sư Duy chia sẻ.
Việc đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh là trách nhiệm của ngành Y tế. Vì vậy, thời gian tới đây, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp của các cơ quan ban ngành triển khai giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh - luật sư Duy bày tỏ.
* Trước đó, như PNVN đã thông tin, từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức đã tạm hoãn mổ phiên. Thống kê ban đầu cho thấy, đã có hơn 50% số ca mổ phiên đã phải dời lịch, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu. Cùng với đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Vì thế, hiện có rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3 nhưng tất cả đều phải hoãn lại.
Hiện tại, các bệnh nhân mong muốn bệnh viện sớm bố trí đầy đủ vật tư, thiết bị y tế để sớm tiếp tục thực hiện mổ phiên.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.