Bí ẩn câu chuyện tiền kiếp thời Ai Cập cổ đại của người phụ nữ Anh

10/05/2018 - 09:00
Bà Dorothy Louise Eady (16/1/1904 - 21/4/1981) được biết đến với biệt danh Omm Seti, một thời làm tốn nhiều giấy mực của giới khoa học và nghiên cứu với tuyên bố về kiếp sống trước đây trong vai trò nữ tu sĩ thời Ai Cập cổ đại.
Hồi tưởng quá khứ cổ xưa  sau “cú ngã” ở tuổi lên 3 
Khi còn nhỏ, Dorothy Eady Louise là đứa trẻ bình thường sống tại một thị trấn ven biển thuộc London (Anh quốc). Vào một buổi sáng, Dorothy chạy xuống cầu thang, bị trượt chân và té ngã. Cú ngã nghiêm trọng tới nỗi cô bé 3 tuổi được xác định là đã chết.
 
Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra, Dorothy bất ngờ sống lại. Cha mẹ cô bé vui mừng khôn xiết nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu. Sau khi bình phục, Dorothy có rất nhiều hành động kỳ lạ: Cô từ chối hát thánh ca, đưa ra so sánh giữa Kitô Giáo với Ai Cập cổ đại.
 
4 năm sau, trong một chuyến đi chơi tới Bảo tàng Anh, Dorothy chăm chú ngồi ngắm xác ướp rất lâu, hôn chân xác ướp và nhất quyết không về nhà với bố mẹ. Cô bé còn chỉ vào một bức tranh và nói: “Đó là nhà của tôi”. Cô bé nói mình đến từ Ai Cập cổ đại và mong muốn được quay về nhà thật sự của mình.
 
Từ năm 10 đến năm 12 tuổi, cô bé nhiều lần viếng thăm bảo tàng, dành hầu hết thời gian rảnh của mình ở đó. Dorothy làm quen với ông E.A Wallis Budge, người quản lý các món cổ vật Ai Cập trong bảo tàng. Ấn tượng mạnh mẽ với nhiệt huyết và vốn kiến thức của cô bé về Ai Cập cổ đại, ông đã khuyến khích Dorothy đi học chữ tượng hình.
a4-dorothy-louise-eady-4.jpg
Thuở thiếu nữ với câu chuyện tình yêu cùng Pharaoh Seti

 

Cô bắt đầu tham gia một lớp về chữ tượng hình và người giáo viên kinh ngạc với khả năng tiếp thu nhanh chóng của cô đối với một môn học thông thường cần nhiều năm để nắm bắt. Khi được hỏi làm thế nào cô có thể học những ký hiệu phức tạp nhanh chóng đến vậy, Dorothy trả lời là cô bé không thật sự học chúng từ con số không, mà là nhớ lại ngôn ngữ cổ cô đã quên từ lâu. Sau này, Dorothy tham gia một nhóm nghiên cứu về Ai Cập cổ.
 
“La bàn sống” của các nhà khảo cổ 
Năm 1931, khi Dorothy 29 tuổi và trở thành vợ của Eman Abdel Meguid, một sinh viên người Ai Cập thì cô mới có thể đến Ai Cập. Khi đặt chân đến đây, Dorothy hôn lên mặt đất và nói rằng mình đã trở về nhà. Tuy nhiên, hôn nhân không kéo dài do cô thường xuyên rơi vào trạng thái thôi miên và viết nguệch ngoạc chữ tượng hình.
 
Bản viết của Dorothy kéo dài tới 70 trang kể về cuộc sống kiếp trước của mình. Dorothy miêu tả mình được sinh ra ở Ai Cập cổ đại với tên gọi Bentreshyt, lớn lên như một nữ tu sĩ tại đền Kom El Sultan. Vào năm 14 tuổi, Pharaoh Seti đã yêu và có con với cô. Tuy nhiên, vì lời thề giữ gìn trinh tiết của tu sĩ, Bentreshyt đã tự sát để ngăn không cho Seti bị liên lụy.
 
Ban đầu, mọi người cho rằng Dorothy là một kẻ điên. Nhưng tất cả đã bị thuyết phục rằng câu chuyện có thật. Bằng ký ức từ "kiếp trước", Dorothy đã chỉ ra vị trí trước đây của đền Garden mà nhờ đó, các nhà khảo cổ đã xác định chính xác vị trí của đền. Thời gian sau, Dorothy dọn đến sống ở làng Nazlat el-Samman bên cạnh Đại kim tự tháp Giza.
 
Ở đây, cô đã gặp nhà khảo cổ học Selim Hassan rồi trở thành thư ký và người vẽ phác họa cho ông tại Cục Cổ vật Ai Cập. Từ một người phụ nữ người Anh với trình độ học vấn hạn chế, Dorothy đã trở thành một người vẽ phác họa hàng đầu, một cây viết đầy ý tưởng và tài năng, khi tự mình sản xuất những bài viết, luận văn, tài liệu chuyên khảo, các cuốn sách bao quát một phạm vi rộng, có trí tuệ và chất lượng tốt.
a5-dorothy-louise-eady-5.jpg
Bà Dorothy Eady Louise (trái) và cháu gái năm 1976
 
Năm 1956, ở tuổi 52, vốn hiểu biết của Dorothy về ngôi đền Seti I vượt ra khỏi khuôn khổ sách vở thông thường. Giám đốc Cục Cổ vật đã quyết định kiểm chứng những lời tuyên bố của Dorothy về kiếp sống trước đây của bà tại khu vực này. Đứng trong một căn phòng gần như tối om với một loạt các bức tranh treo tường, bà được yêu cầu phải chỉ ra vị trí và nhận diện mỗi bức tranh dựa trên ký ức tiền kiếp của mình.
 
Mỗi lần, bà đều có thể xác định chính xác vị trí, nhận diện và miêu tả chi tiết mỗi bức tranh, dù rằng bà chưa bao giờ nhìn thấy chúng trước đây và tại thời điểm đó chưa có bức tranh nào hay địa điểm chính xác của chúng từng được công bố trong bất kỳ tư liệu nào.
 
Dorothy cũng chỉ ra trong ngôi đền có một lối đi bí mật ở phía Bắc, dưới ngôi đền Seti I là một hầm thư viện với những ghi chép liên quan tôn giáo và lịch sử. Rất nhiều khám phá mới đã được thực hiện dựa trên chỉ dẫn của bà.
 
Những khả năng khác thường 
Dorothy còn có những biểu hiện thần kỳ khác. Bà thường dậy sớm vào mỗi buổi sáng, ngâm mình trong bể nước tại đền thờ Osireion (ngay đằng sau đền Seti I) để tẩy tịnh thân thể, sau đó đi chân trần vào điện thờ để cầu nguyện mỗi ngày. Bà tuyên bố, chính bể nước thần thánh này đã giúp bà khỏi bệnh viêm khớp, viêm ruột thừa và bỏ không phải đeo kính mắt.
 
Người dân xung quanh dường như cũng hưởng lợi khi các căn bệnh của họ được chữa lành, từ các vấn đề về hô hấp cho đến chứng nghe, nhìn khó khăn. Bà từng tự chữa chứng nhiễm trùng mắt nhờ sử dụng các câu thần chú được khắc trên các bức tường ngôi đền. Bà không sợ rắn hổ mang, có khả năng dùng tay không cho chúng ăn.
 
Về già, bà Dorothy được gọi là Omm Seti (cái tên thể hiện sự kính trọng mọi người dành cho bà) sống tại đền thờ của Abydos. Nhờ thế, nơi đây trở thành một điểm thu hút khách du lịch khi tới thăm Ai Cập. Tới nay, câu chuyện của bà Omm Seti vẫn là một bí ẩn mà giới khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm