‘Bí ẩn nữ tính’ tạo nên cuộc cách mạng nữ quyền thứ 2 ở Mỹ

11/01/2017 - 15:43
Betty Friedan là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động hàng đầu trong phong trào nữ quyền Mỹ kể từ thập niên 1960. Tác phẩm nổi tiếng của bà ‘Bí ẩn nữ tính’ đã tạo nên cuộc cách mạng nữ quyền thứ 2 ở Mỹ trong thế kỷ 20.

Betty Friedan chào đời ngày 4/2/1921 tại Peoria, bang Illinois, Hoa Kỳ, trong một gia đình gốc Do Thái. Cha bà là Hary Goldstein, một chủ tiệm kim hoàn, còn mẹ là bà Miriam, nghỉ việc ở một tòa báo về phụ nữ để thành người nội trợ như bao phụ nữ Mỹ lúc bấy giờ.

Năm 1938, Betty Friedan tốt nghiệp trung học ở vị trí thủ khoa rồi theo học trường đại học nữ giới Smith. Ngay từ năm học đầu tiên, bà đã giành được học bổng do có thành tích học tập xuất sắc. Trong những năm tiếp theo, bà có nhiều bài thơ được đăng trên các ấn phẩm của trường và trở thành tổng biên tập cho tờ báo của trường.

Năm 1942, Friedan tốt nghiệp đại học Smith loại ưu, chuyên ngành tâm lý học. Tuy học rất giỏi nhưng Fridan đã từ chối suất học bổng ở đại học California để đến New York và trở thành phóng viên chuyên viết về vấn đề lao động tại một tòa báo phụ nữ. Năm 1947, bà lập gia đình với Carl Friedan, một bác sĩ và có 3 người con.

tc-gi-betty-friedan-vi-chic-mi-in-hnh-ca-ngi-do-thi.JPG
 Chân dung nhà văn, nhà hoạt động nữ quyền gốc Do Thái Betty Friedan.

Khi Betty Friedan mang thai lần đầu tiên, bà được phép nghỉ việc một thời gian rồi quay trở lại làm việc bình thường nhưng đến lần mang thai thứ hai thì tòa soạn cho Friedan nghỉ việc và thay bằng một nhà báo nam. Gia đình bà chuyển ra ngoại ô sinh sống, Friedan trở thành nhà báo độc lập.

Nhân dịp chuẩn bị cho lần họp mặt sau 15 năm ra trường, Friedan đã làm một cuộc khảo sát với các bạn học nữ cùng khóa về giáo dục, kinh nghiệm và mức độ hài lòng của họ với cuộc sống hiện tại. Từ đó, bà phát hiện ra rằng, các bạn học nữ cùng khóa - những phụ nữ có học vấn cao, giờ đây phần lớn đều trở thành các bà nội trợ. Nhưng dường như họ chỉ sống trong lớp vỏ bọc của bà nội trợ hạnh phúc, với vai trò hỗ trợ cho sự nghiệp của người đàn ông, còn phía sau đó, họ cảm thấy chán nản, buồn bực mà không thể thổ lộ cùng ai ngoài những viên thuốc an thần hay những giờ phút tại phòng mạch các bác sĩ tâm lý.

Một bài nghiên cứu dài, với nhiều chi tiết đáng suy ngẫm ra đời nhưng không có tờ báo nào lúc đó chịu đăng. Tuy vậy, kết quả của cuộc khảo sát này là cơ sở để bà viết cuốn sách ‘The Feminine Mystique’ (Bí ẩn nữ tính) được xuất bản năm 1963. Sự bí ẩn đó là quan niệm cho rằng cuộc đời người phụ nữ sẽ trọn vẹn khi dành cả cuộc đời để làm nội trợ, làm vợ và làm mẹ. Đây là quan niệm đã kìm giữ nhiều thế hệ phụ nữ trong ngôi nhà đóng kín và lên đến đỉnh điểm với phụ nữ Hoa Kỳ trong thập niên 1950 - 1960.

1.jpg
 Với tác phẩm 'Bí ẩn nữ tính', bà được xem là người khơi dậy làn sóng nữ quyền thứ 2 ở Mỹ từ những năm 1960.

Cuốn sách ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng xã hội bằng cách xua tan huyền thoại rằng tất cả phụ nữ muốn trở thành người nội trợ hạnh phúc. Friedan khẳng định rằng phụ nữ có khả năng như những người đàn ông đối với bất kỳ công việc nào và khuyến khích họ mạnh dạn tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân. Lúc mới ra đời, cuốn sách được coi là thủ phạm khơi dậy ‘âm mưu chối bỏ nhà bếp’ của phụ nữ Hoa Kỳ và gây tranh cãi vì đi ngược lại quan điểm lúc bấy giờ. Tác giả Betty Friedan nhận được hàng trăm bức thư từ các bà nội trợ giận dữ phản đối ý kiến của bà, nhưng càng về sau người ta càng công nhận và ủng hộ quan điểm này. Phụ nữ cần có quyền bình đẳng với đàn ông trên tất cả các lĩnh vực.

Những trang viết trong 'The Feminine Mystique' cực kỳ gây ấn tượng vào thời điểm cuốn sách ra đời. Sách mau chóng bán chạy trên thị trường với hàng triệu bản và dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sách nổi tiếng đã làm dấy lên làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền Mỹ trong thế kỷ 20 và được xem như một bản tuyên ngôn, đặt nền tảng cho phong trào phụ nữ Hoa Kỳ, từ đó lan rộng thành phong trào phụ nữ quốc tế.

4.jpg
 Bà còn là  người đi đầu trong các hoạt động đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Năm 1966, Friedan đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW). Năm 1970, bà tổ chức cuộc bãi công phụ nữ toàn quốc đòi bình đẳng vào ngày 26/8 nhân kỷ niệm 50 năm sửa Hiến pháp đem lại cho phụ nữ quyền bầu cử. Cuộc bãi công thành công ngoài mong đợi trong việc mở rộng phong trào nữ quyền. Chỉ riêng cuộc tuần hành do bà dẫn đầu tại TP New York đã thu hút hơn 50.000 phụ nữ và nam giới.

Năm 1971, bà cùng các nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu thành lập Hội kín chính trị phụ nữ quốc gia (NWPC). Bà là người ủng hộ mạnh mẽ Tu chính án quyền bình đẳng, được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo ở cả 2 viện sau áp lực lớn của các nhóm nữ quyền dẫn đầu là NOW trong những năm 1970.

Các cuốn sách còn lại của Betty Friedan bao gồm: The Second Stage, It Changed My Life: Writings on the Women's Movement, Beyond Gender và The Fountain of Age. Tự truyện Life so Far của bà xuất bản năm 2000.

2.jpg
 Bà được bình chọn vào danh sách ‘75 phụ nữ quan trọng nhất trong 75 năm qua’ của tạp chí Glamour năm 2014.

Betty Friedan qua đời ngày 4/2/2006 vì căn bệnh tim. Năm 2013, Friedan cùng những phụ nữ khác nguồn cảm hứng cho ‘Makers: Women Who Make America’ (Những phụ nữ tạo nên nước Mỹ) - bộ phim tài liệu 3 phần dài 3 giờ của đạo diễn Barak Goodman về phong trào nữ quyền trong 5 thập niên cuối thế kỷ 20.

Năm 2014, tiểu sử của bà đã được đưa vào American National Biography Online (ANB). Cũng trong năm này, tạp chí Glamour bình chọn bà vào danh sách ‘75 phụ nữ quan trọng nhất trong 75 năm qua’.

Làn sóng nữ quyền lần 2 bắt đầu vào đầu thập niên 1960 tại Mỹ, về sau trở thành phong trào toàn cầu, mạnh nhất ở châu Âu và một phần của châu Á. Phong trào mở tranh luận về các vấn đề: tình dục, gia đình, nơi làm việc, quyền sinh sản, sự bất bình đẳng trên thực tế và pháp lý đối với phụ nữ. Trước đó có làn sóng nữ quyền đầu tiên vào thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 và về sau là làn sóng nữ quyền thứ 3 từ cuối thập niên 1980 đến đầu những năm 2000.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm