Bị cận thị có đeo kính thường xuyên được không?

Ngọc Điệp
25/01/2021 - 14:04
Bị cận thị có đeo kính thường xuyên được không?
Với những người mắc cận thị, đeo kính là một biện pháp tối ưu, chi phí thấp. Vậy bị cận thị có đeo kính thường xuyên được không? Có làm tăng độ cận không? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Cận thị là một trong những tật khúc xạ của mắt có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Dù không đe dọa tới tính mạng nhưng cận thị lại đem lại nhiều phiền toái trong đời sống cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Đeo kính là cách đơn giản, hiệu quả cho những người bị cận thị. Nhưng bị cận thị có đeo kính thường xuyên được không là băn khoăn của rất nhiều người.

1. Bị cận thị có đeo kính thường xuyên được không?

Nhiều người cho rằng, chỉ khi nào bị cận nặng mới nên đeo kính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhãn khoa, việc đeo kính khi bị cận thị là cần thiết. Bởi vì cho dù bạn có độ cận nhỏ (≤ 0.75 độ) thì vẫn ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Vậy đeo kính thường xuyên khi bị cận thị có nên không? Có làm tăng độ nữa không? Các bác sĩ cũng như các chuyên gia về mắt cho biết, để trả lời chính xác câu hỏi này, cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, có hai yếu tố quan trọng bậc nhất là độ cận và độ tuổi của người mắc tật khúc xạ này.

Cụ thể:

- Với những người dưới 18 tuổi: Đây là độ tuổi mà độ cận của mắt thường không ổn định.

Độ cận <1 độ: Với độ cận này ( trong khoảng từ 0,25 đến 0,75 độ) mắt vẫn có khả năng điều tiết nên không cần thiết phải đeo kính. Tuy nhiên, cần lưu ý trong những trường hợp cần thiết như: đọc sách báo lâu, nhìn xa thì bạn nên đeo kính để hạn chế sự điều tiết của mắt.

Độ cận >1 độ: Với những người có độ cận này thì mắt phải điều tiết rất nhiều. Do đó, việc đeo kính thường xuyên là thật sự cần thiết nhằm duy trì độ cận ổn định, tránh tăng độ cận cho mắt.

Trong trường hợp không đeo kính, mắt sẽ ngày càng yếu đi, độ cận sẽ ngày một tăng do phải điều tiết quá nhiều, tạo cảm giác nhức mỏi cho mắt. Thậm chí, ở các đối tượng cận thị là trẻ em có thể bị biến chứng dẫn đến nhược thị, lác…

- Với những người trên 18 tuổi: Ở độ tuổi này, độ cận thị đã đi vào ổn định hơn.

Trong trường hợp độ cận < 1 độ: Ở độ cận này, bạn có thể tập các bài tập cho mắt mà không bị phụ thuộc vào kính. Chỉ nên đeo kính khi thật sự cần thiết như phải nhìn xa, di chuyển hay phải làm việc nhiều giờ trên máy tính…

Với những người có độ cận > 1 độ: Các chuyên gia về mắt cho biết ở độ cận này, với những người trên 8 tuổi, ạbn nên đeo kính thường xuyên để tránh những biến chứng nguy hiểm về mắt do độ cận thị quá cao.

Như vậy, việc đeo kính cận thị thường xuyên có làm tăng độ cận hay không còn tùy thuộc vào độ tuổi cũng như độ cận của từng trường hợp. Với những người bị cận thị, việc lựa chọn kính sao cho phù hợp với độ cận của mắt và phù hợp với độ tuổi là điều hết sức quan trọng để đảm bảo độ cận ổn định theo thời gian. Hơn nữa, việc làm này còn giúp mắt bạn không bị biến chứng, thị lực luôn đạt ở mức độ tốt nhất.

Bị cận thị có đeo kính thường xuyên được không? Những lưu ý khi đeo kính cho những người mắc cận thị - Ảnh 1.

Đeo kính cận sai cách sẽ làm mắt phải điều tiết nhiều hơn - Ảnh Internet.

2. Những lưu ý khi đeo kính cho người mắc cận thị

Đeo kính khi bị cận thị là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, những người bị cận thị cần nắm chắc một số lưu ý khi đeo kính. Cụ thể:

- Chọn cửa hàng lắp kính cận : Bạn nên lựa chọn các cửa hàng cắt kính cận uy tín, phải được cấp phép của Sở y tế.

- Chọn mắt kính và gọng kính: Mắt kính và gọng kính cũng phải được lựa chọn từ những thương hiệu có uy tín. Nhiều người thường quan tâm tới gọng kính mà bỏ qua tầm quan trọng của mắt kính. Với những người bị cận thị, mắt kính phải có tác dụng không loang nước, giúp nhìn rõ khi đi mưa ; Chống phản quang, không bị lóa sáng ; Giảm thiểu sứt mẻ hoặc vỡ khi va đập; Hạn chế bám bụi bẩn hoặc vân tay ; Cản tia UV.

- Chọn kính phù hợp với độ cận: Đây là lưu ý rất quan trọng bởi nếu bạn đeo kính sai độ cận, mắt sẽ phải điều tiết nhiều hơn, từ đó sẽ có tác động tiêu cực tới tình trạng cận thị của mắt.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm