Bí mật sau chiếc áo màu hoa cà của mẹ chồng

01/02/2016 - 11:43
Hồi mới về làm dâu, tôi khá sốc khi thấy mẹ chồng rất nể ba chồng, mặc dù bà là người nắm kinh tế chính trong gia đình.
Tôi thường nhìn mẹ chồng bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Sự nghiệp, địa vị, tiền tài, bà chẳng thiếu thứ gì. Suốt ngày mẹ chồng tôi quay cuồng với đủ thứ việc lớn nhỏ không tên. Bà có một phòng làm việc riêng ở tầng 2, cứ 9 giờ tối trở đi, căn phòng lúc nào cũng đóng kín như bưng, áp tai vào cửa chỉ nghe thấy tiếng máy tính gõ lách cách và tiếng giở giấy sột soạt.
Mẹ chồng tôi vừa là giảng viên ngôn ngữ của một trường đại học danh tiếng, vừa là dịch giả của hàng loạt đầu sách lớn, kiêm luôn chức giám đốc của một nhà xuất bản. Trái ngược lại, ba chồng tôi chẳng làm việc gì cả từ ngày nghỉ hưu non, thủng thẳng mới thấy ông cầm kéo tỉa tót vài chậu bonsai bị sâu ăn mục rỗng cả thân. Lâu lâu, lại thấy ông lục túi vợ lấy vài trăm ngàn đi nhậu, hay mua vé số cho đỡ buồn. Một lần bị tôi bắt gặp, ba chồng cười bảo: “Bả lúc nào cũng bỏ sẵn mấy trăm trong túi áo khoác để “cứu trợ” ba. Không tin tối nay chị dòm thử xem, thế nào bả cũng bỏ tiền vô à!”. Tôi để ý thì thấy đúng thật, chiếc áo khoác màu hoa cà mẹ chồng chỉ treo trên móc làm cảnh, không bao giờ mặc tới, nhưng cứ tối về bà lại “tiện tay” bỏ thêm ít tiền vào túi áo trái.
Tôi bảo chồng: “Ba anh sướng thiệt đấy!”. Chồng tôi ngồi xuống giường và bằng một giọng trầm trầm, anh kể:
“Nửa đời người, ba anh vất vả vì mẹ rồi. Ngày xưa mẹ chỉ biết học và nghiên cứu thôi. Ngoài sách vở ra, mẹ chẳng còn đủ thời gian bận tâm đến bất cứ điều gì, ngay cả gia đình. Lúc anh được hai tuổi rưỡi, mẹ bận làm luận văn cao học, đêm đến anh phải ngủ với ba. Nhà nhỏ, ba phải lấy tấm liếp chia đôi phòng ngủ để cho vợ tiện làm việc khuya và anh khỏi mất giấc. Bên kia, mẹ làm việc đến sáng, bên này ba chập chờn hát ru anh ngủ. Thời bấy giờ nhà ai cũng nghèo, mà nhất là gia đình giáo viên thì càng túng thiếu. Để có tiền nuôi vợ đi học và chăm lo cho gia đình, ngoài giờ dạy chính trên lớp, ba còn nhận kẻ chữ thuê, mở hiệu cắt tóc, nuôi gà và trồng rau tăng gia sản xuất. Hàng ngày, về đến nhà là ba chạy ngay tới chuồng gà nhặt trứng vừa đẻ, ghi ngày tháng cẩn thận lên vỏ để ăn theo thứ tự. Quả nào cũ ngày ba ăn, quả nào tươi mới thì để phần vợ, cuối tuần mang lên trường làm lương thực cứu đói.
Khi mẹ học nghiên cứu sinh, chú út mới biết bò. Hàng tối, lúc ba làm việc không có người trông chừng thằng nhỏ, ba phải buộc một sợi dây vào chân út rồi cột nó vào chân mình, để chú út lê la cạnh ba. Hễ chú bò ra xa, cái dây giật giật là ba biết liền. Có những bữa, mẹ đi công tác xa, chú út bện hơi mẹ khóc ngằn ngặt, chẳng còn cách nào khác, ba phải đóng giả làm mẹ. Ba mặc quần áo của vợ, trùm tóc giả, nhại giọng đàn bà the thé, thằng nhỏ thấy ba ngộ quá hay sao mà nín bặt, cười khanh khách, kêu: “Ẹ, ẹ…”.

 Bố mẹ tôi đã đi cùng và lặng lẽ nâng đỡ cho nhau suốt bao nhiêu năm nay (ảnh minh họa)

Suốt những năm vợ bận học hành nghiên cứu, cả khu phố chẳng còn lạ lẫm với hình ảnh “ông giáo Thanh” mỗi chiều đạp chiếc xe Thống Nhất cà tàng, yên sau đèo 2 đứa nhỏ, ghi đông treo lủng lẳng những thịt, đậu, rau củ. Mỗi lần đến ngã rẽ hay khúc cua, miệng lại la lớn thay chuông: “Tránh đường tránh đường, thầy trò Đường Tăng đến đây”.
Chồng tôi kể đến đây thì dừng lại. Lúc này, ngoài hành lang vọng đến tiếng chân người rất khẽ. Anh cười bí hiểm: “Là ba đấy, đêm nào mẹ thức quá khuya, ba cũng đi đi lại lại trước cửa phòng làm việc của mẹ, cho tới khi nào mẹ chịu đứng lên đi nghỉ mới thôi”.
Nghe đến đây, tôi đã khóc. Những giọt nước mắt khâm phục, yêu thương và trân trọng…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm