pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bí mật thị trường dạy thêm hoạt động "chui" ở quốc gia tỷ dân: Càng cấm càng làm, học phí siêu đắt đỏ
Hai năm trước, Trung Quốc đã cấm dạy thêm sau giờ học chính khóa trên trường. Mục đích là để giảm thiểu gánh nặng học tập và khuyến khích bình đẳng xã hội. Cụ thể vào tháng 7/2021, Trung Quốc đã ra lệnh cấm dạy thêm vào cuối tuần và ngày nghỉ đối với các học sinh dưới 16 tuổi. Vào tháng 9/2021, lệnh cấm dạy thêm trực tuyến hoặc tại các địa điểm không được cấp phép như chung cư, khách sạn tiếp tục được ban hành.
Tuy nhiên, quốc gia tỷ dân này dường như không đạt được nhiều thành công như mong đợi. Đứng trước lệnh cấm của chính quyền, phụ huynh và gia sư đã tìm ra nhiều cách khác nhau để lách luật.
Hệ thống giáo dục cạnh tranh đi kèm định kiến với trường nghề
Trung Quốc ban hành chính sách “shuang jian” (song giảm) nhằm giảm thiểu áp lực cho phụ huynh cũng như học sinh trước tính cạnh tranh của nền giáo dục nước nhà.
Giáo sư danh dự Anthony Welch, chuyên gia về chính sách giáo dục trong nước và quốc tế ở đại học University of Sydney, Úc chỉ ra đặc trưng của nền văn hóa khoa cử lâu đời tại Trung Quốc, trong đó điểm kiểm tra kém đồng nghĩa với một tương lai mịt mù.
Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc, còn được gọi là Gaokao (Cao khảo) có tính phân hóa rất cao. Điểm số đạt được trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông, hay Zhongkao (Trung khảo) sẽ quyết định liệu một học sinh có thể tiếp tục con đường học vấn hay phải rẽ hướng sang học trường dạy nghề.
Mặc dù trường dạy nghề là nơi đào tạo các kỹ năng thực tiễn để làm việc, nhưng do mang định kiến nặng nề với loại hình này, nhiều phụ huynh và con em vẫn phải chịu nhiều áp lực về mặt điểm số để được đi học tiếp.
Một phụ huynh chia sẻ: “Nếu một học sinh được vào trường trung học phổ thông, dù cho đó không phải ngôi trường uy tín, thì vẫn là ngôi trường tốt. Nhưng nếu chẳng may phải vào trường dạy nghề, thì căn bản bọn trẻ sẽ ngừng lại con đường học vấn”.
Đánh vào tâm lý lo sợ của phụ huynh
Trào lưu dạy thêm học thêm bắt đầu nổi lên từ đầu những năm 1990. Trước khi bị cấm, lĩnh vực này ước tính đem lại giá trị lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.600 tỷ VNĐ). Theo Hou Yuxin, một người làm trong lĩnh vực giáo dục tư nhân, các trung tâm dạy thêm biết cách đánh vào nỗi lo sợ bị bỏ lại của các bậc phụ huynh. Họ biết phụ huynh rất lo cho tương lai con em và sẵn sàng chi tiền. Do đó mà các trung tâm này đã thu về khoản lợi nhuận kếch xù trong nhiều năm.
Sau khi bị hạn chế, các trung tâm dạy thêm không còn được cấp giấy phép mới nữa. Đồng thời các cơ sở hiện hành bị buộc phải chuyển sang hoạt động phi lợi nhuận hoặc dừng hẳn hoạt động.
Thị trường dạy thêm với giá “cắt cổ”
Nhiều cơ sở dạy thêm vẫn hoạt động ngầm bất chấp những giới hạn của nhà nước. Theo Bloomberg, phụ huynh đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ dạy thêm hoạt động “chui” và đắt đỏ cho con cái, số tiền họ phải trả lớn hơn gấp nhiều lần so với các lớp dạy thêm mô hình cũ.
Trước đây, dưới sự quản lý của những cơ sở, một gia sư thường dạy cùng lúc nhiều học sinh trong các lớp học. Nhưng giờ thì họ chuyển sang dạy các nhóm nhỏ lẻ, chủ yếu với hình thức một thầy một trò, dẫn đến sự gia tăng của các lớp học thêm.
Tại thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, học phí đã tăng lên tới 3.000 nhân dân tệ (hơn 9,9 triệu VNĐ) cho một giờ.
Được biết, một phụ huynh ở Bắc Kinh từng phải trả 20.000 nhân dân tệ (hơn 66 triệu VNĐ) cho một năm học thêm tiếng Anh của con gái, nhưng giờ đây lại phải trả gấp 3 lần số tiền đó cho lớp học “một thầy kèm ba trò”.
Hua-Yu Sebastian Cherng, Phó giáo sư tại Đại học New York University nhận định: “Nếu nhà nước đưa ra một đạo luật mà ảnh hưởng phần lớn đến gia đình trung thượng lưu, họ sẽ tìm cách lách luật. Đó là những gia đình có tiền của, có nhiều kiến thức xã hội”.
Phụ huynh Gong Erkang than phiền: “Chính sách song giảm ảnh hưởng phần nhiều tới những gia đình bình dân. Các gia đình giàu có luôn có cách để lách luật”.
Trên thực tế, bên cạnh các lớp học thêm đắt tiền, cũng có không ít khóa học online với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, các gia đình trung lưu lại không ưa chuộng loại hình này. Họ cho rằng khóa học trên mạng không thể cung cấp đủ kiến thức cần thiết cho con.