Theo đơn phản ánh của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ngày 12/10, gia đình anh đưa bé Nguyễn Hoàng Bảo A., sinh ngày 2/1/2015, đến khám tại BV Mắt TƯ do bé khóc nhiều, dụi mắt liên tục, mắt trái đỏ, có đốm vàng trong con ngươi. Tại BV Mắt TƯ, bé A. được xếp khám ở phòng E 402. Sau khi thăm khám, bác sĩ (BS) Diệu Linh, khám tại phòng 402 yêu cầu gia đình đưa bé sang phòng E404 để BS Nguyễn Thị Thu Thủy khám. Bệnh nhi được bác sĩ thăm khám và kết luận: Bị viêm giác mạc rồi kê đơn là 2 loại thuốc nhỏ mắt, hẹn tái khám sau 5 ngày.
Mẹ con bé A.
Cháu A. được tra thuốc theo hướng dẫn nhưng tình trạng không cải thiện, thậm chí mắt trái còn sưng tấy lên. Chưa hết 5 ngày thuốc, gia đình đưa A. quay lại BV Mắt TƯ, khám ở phòng khám H204. Tại đây, BS chẩn đoán bé bị viêm nội nhãn - một bệnh lý rất nguy kịch, trong mắt toàn mủ nên được chuyển vào phòng cấp cứu. Trải qua 3 lần phẫu thuật, BS thông báo mắt trái của cháu đã hỏng hoàn toàn, không thể giữ được.
Gia đình anh Tiến rất bức xúc, muốn BV làm rõ quy trình khám và điều trị cho bé A., với bệnh tình của A. việc chẩn đoán cần những yêu cầu gì, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các BS.
Nhiều khả năng bé mắc 2 bệnh cùng thời điểm
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với báo chí, BS Hoàng Minh Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Mắt TƯ, cho biết: Viêm giác mạc và viêm nội nhãn là hai bệnh khác nhau, một là tổn thương ở bên ngoài, còn trường hợp kia là tổn thương từ trong mắt ra ngoài. Trong y văn cũng không quy định chẩn đoán phân biệt 2 bệnh này với nhau vì biểu hiện bệnh khác nhau. Vì thế, không có chuyện BS chẩn đoán sai trong trường hợp của con anh Tiến.
Nói về quy trình khám bệnh, BS Minh Anh cho rằng: Khi vào khám bệnh, bé A. được đưa vào phòng khám của BS Diệu Linh, khoa Đáy mắt - màng bồ đào (nơi điều trị bệnh viêm nội nhãn) khám. Vì thấy tổn thương trên giác mạc, không thuộc lĩnh vực chuyên môn khám chính của mình nên BS Diệu Linh chuyển bệnh nhi sang phòng khám của BS Thu Thủy.
Sau khi có thông tin trên, BS Thủy đã thông báo lại sự việc, theo đó tại thời điểm thăm khám cho bệnh nhi A. không thấy tổn thương ở nội nhãn mà chỉ phát hiện tổn thương ở giác mạc. Nếu có viêm nội nhãn ngay từ đầu thì việc chẩn đoán với bác sĩ không khó.
Giải thích thêm về việc tại sao không phát hiện ra bệnh sớm cho bệnh nhi A., BS Minh Anh cho rằng: Có thể bệnh nhi có 2 bệnh cùng diễn ra nhưng ở 2 thời điểm khác nhau, bệnh viêm nội nhãn đến sau. Những biểu hiện bệnh theo gia đình mô tả là các biểu hiện bên ngoài giác mạc, vì thế người thân của bé mới có thể thấy được. Nếu là viêm nội nhãn thì phải BS chuyên khoa mắt mới phát hiện được. Bởi viêm nội nhãn nội sinh là tình trạng viêm tổ chức bên trong nhãn cầu, gây hoại tử các tổ chức này, dẫn đến hình thành mủ trong nội nhãn. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân, chỉ có khoảng 55% đạt được thị lực 1/10 hoặc kém hơn - với điều kiện điều trị kịp thời, toàn diện.
Triệu chứng của bệnh gồm: Đau nhức mắt, đỏ mắt, nhìn mờ tùy mức độ khác nhau theo giai đoạn của bệnh, phù mi, mắt kích thích nhiều, phù giác mạc, có tổ chức viêm nhiễm trong nhãn cầu, thể thủy tinh có thể đục hóa hoặc hóa mủ, BS thường không soi được đáy mắt do mủ trong dịch kính che lấp…
Theo anh Tiến, gia đình đã gặp đại diện lãnh đạo BV Mắt TƯ 1 lần và chưa đồng ý với nhiều giải thích liên quan đến quy trình khám, chẩn đoán… mà BV đưa ra. Gia đình anh tiếp tục viết đơn kiến nghị gửi BV Mắt TƯ.