Bị nhại giọng khiến con sống thu mình

29/04/2016 - 23:30
Thời gian gần đây chị Đặng Hồng Anh (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy cậu con trai lớp 6 không còn hoạt bát như bình thường.
ban-be-xa-lanh.jpg
Những hành vi, thái độ ứng xử của bạn bè trên lớp dù có thể chỉ là trêu đùa cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa internet.
Chị Hồng Anh chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 6 ở một trường khá có tiếng ở Hà Nội, điều kiện học tập rất tốt nhưng gần đây đi học về con bỗng ít nói hẳn và ngại giao tiếp. Qua trao đổi, tôi được biết, ở lớp các bạn hay nhại lại những lời con nói”.

Vốn biết con là đứa trẻ từ nhỏ đã nhút nhát, rất ngại giao tiếp nên chị Hồng Anh càng thêm lo. Bản thân chị cũng không hiểu nguyên nhân vì sao các bạn trong lớp nhại lại giọng của con. “Điều đó đã làm con bị tổn thương. Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới có thể hỏi được cháu chuyện này. Tôi rất lo cho con, và không biết phải làm sao để con tự tin đến lớp?”, chị Hồng Anh giãi bày.

Theo chuyên gia Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo-Wegood): Đã có không ít các bậc cha mẹ chuyển lớp, chuyển trường cho con chỉ vì con bị bạn bè bắt nạt, tẩy chay bằng những hình thức khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ là các trò bắt nạt, đánh, gây tổn hại thân thể mà còn là bạo lực về tâm lý, tình cảm thông qua việc tẩy chay, không chơi cùng, nhại lời, chế nhạo,… 

Ở trường hợp con chị Hồng Anh, theo bà Hiền, cần xem cụ thể mức độ mà con đang gặp phải. Ví dụ, đại đa số các bạn trong lớp hành động, cư xử như vậy, hay chỉ có vài em trong lớp? Hành động này diễn ra với tần suất ra sao và cô giáo chủ nhiệm có biết điều đó hay không? “Tôi nghĩ rằng giáo viên chủ nhiệm là người luôn sát sao với các con nhất, vậy phụ huynh nên trao đổi với giáo viên về những biểu hiện của con. Đồng thời tìm hiểu xem con có bị sa sút học hành hoặc thiếu tự tin, không giơ tay phát biểu trong lớp không?”.
con-bi-nhai-giong.jpg
Phụ huynh cần quan tâm hơn đến bạn bè của con để khi cần thiết có thể hỏi han tình hình về con. Ảnh minh họa internet. 
Ngoài tìm hiểu rõ nguyên nhân các bạn trong lớp nhại lời con (có thể vì con nói ngọng hoặc giọng con đang trong thời kỳ thay đổi, hoặc con nói nhanh, hay có những biểu hiện gây cười đối với các bạn khác,...) thì phụ huynh cũng nên quan tâm hơn tới bạn bè của con. Chắc chắn con sẽ có một vài người bạn thân, vì vậy hãy khéo léo gọi điện cho các bạn đó để hỏi han tình hình, cũng như nhờ các bạn chia sẻ, tâm sự với con.

Trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ hãy là những người bạn thân thiết với con nhất, đó là nền tảng để các con tự tin trò chuyện, trao đổi với bố mẹ mọi vấn đề con gặp phải ở trường. Các bé trai bước vào tuổi dậy thì thường có đôi chút ngại mẹ. Vậy nên, để hai bố con tâm sự thì dễ hơn. Các con sẽ học được tính chững chạc và cách nhìn nhận vấn đề của người bố. Đừng ngần ngại chia sẻ với con những vấn đề liên quan tới ưu nhược điểm của con trong những cả nhà sum họp. Qua đó, con sẽ suy nghĩ thông suốt mọi vấn đề và biết hạn chế của mình để kịp thời điều chỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm