Bí quyết để con răm rắp nghe lời

11/07/2016 - 17:40
Bà mẹ trẻ có nick name Tảo Biển chia sẻ, bí quyết để con nghe lời thực ra rất đơn giản, chỉ cần lời nói của bố mẹ đủ sức thuyết phục với con.
Con không nghe lời không phải vì con chưa đủ ngoan mà đôi khi chỉ vì lời nói của bố mẹ chưa đủ thuyết phục. Ảnh minh họa internet.

Theo bà mẹ trẻ có nick name Tảo Biển, muốn con nghe lời, bố mẹ cần thử thay đổi cách nói chuyện, đối thoại. Buổi sáng, thay vì quát con, giục con mau lên, mau lên, chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị cho con hết mọi thứ thì bố mẹ cần thỏa thuận với con: Nếu 7 giờ mà con không dậy thì con không có thời gian xem Sophia, không có thời gian ăn sáng đâu.

Khi con mặc quần áo chậm, đi giày chậm, thay vì giục con nhanh lên, cha mẹ hãy đưa con vào cuộc đua: Mẹ và con thử thi xem ai mặc quần áo nhanh hơn, ai đi giày nhanh hơn nào. Thay vì nói: Con nhanh lên, không thì muộn đấy, cha mẹ nên đổi thành: Ngày hôm nay, mấy giờ bố/mẹ và con phải ra khỏi nhà nhỉ? Việc nhắc lại câu hỏi có ý nghĩa: Muốn như thế con phải làm thế nào.

Các cha mẹ luôn nhớ, hãy để trẻ luôn ở thế chủ động, là người làm chủ mọi công việc của mình. Cha mẹ chỉ là người ở bên nhắc nhở. Nếu bố mẹ mắng bé vì bé chậm chạp thì khi bé tiến bộ, có chuẩn bị nhanh hơn thì bố mẹ cũng phải khen ngợi, động viên bé.

Để con chủ động trong mọi công việc, bố mẹ đừng làm thay con. Ảnh minh họa internet.

Với những đòi hỏi vô lý của con, nhiều cha mẹ có thói quen trả lời "không". Tuy nhiên, theo chị Tảo Biển, thay vì nói Không ngay từ đầu, cha mẹ hãy nói "Ừ", "Được" để thể hiện sự đồng cảm, để con dịu bớt tinh thần và từ đó thuyết phục. Ví dụ, nếu con đòi ăn kẹo sau khi đánh răng. Bố mẹ không nên thẳng thừng từ chối yêu cầu của con mà có thể thể hiện sự đồng cảm: Con thích ăn kẹo à? Bố mẹ cũng thích vì kẹo rất ngon. Nhưng con đánh răng rồi đúng không? Nếu con muốn ăn nữa thì con phải hứa là ăn xong lại đánh răng nhé. Hoặc nếu con chờ đến mai ăn, thì mẹ sẽ thưởng cho con một cái kẹo to...

Rất nhiều cha mẹ phàn nàn về bệnh “nói trước, quên sau” của con dù những việc đó không có gì là khó khăn như để giày dép ngăn nắp, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Nếu vậy, cha mẹ cần nhắc nhở con liên tục để những việc đó trở thành thói quen của con.

Ngoài ra, với những trẻ ở tuổi đi học, cha mẹ có thể lên danh sách những đồ con phải mang đến trường. Con có nhiệm vụ tự chuẩn bị những đồ đó, nếu thiếu, bố mẹ nhắc để con lấy thêm. Quan trọng nhất là luôn để trẻ là người chủ động trong mọi công việc của mình. Cha mẹ chỉ là người hỗ trợ chứ không nên làm thay con mọi việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm