Khi con 6 tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ làm một số việc đơn giản theo những nguyên tắc sau đây:
Giao việc phù hợp độ tuổi
Trẻ em từ 6 đến 13 tuổi có thể tuần tự làm được các công việc như: Chuẩn bị bát đũa trong bữa ăn, tự mặc quần áo, rửa tay chân, gấp chăn màn; cùng người lớn thu dọn bát đĩa, rửa cốc chén; lau nhà, lau bàn ghế, đổ rác; tưới hoa, lau cửa kính, trồng rau, chăm sóc vật nuôi; học cách tự giặt quần áo, tắm gội.
Trên 14 tuổi, trẻ có thể làm tất cả mọi việc trong nhà nhưng không nên lạm dụng vào thời gian học tập, vui chơi của trẻ. Với con gái, mẹ nên dạy con về nữ công gia chánh, như may vá, đan lát, thêu thùa, nấu ăn, tiết kiệm chi tiêu; với con trai có thể giao những việc nặng hơn nhưng không quá sức. Không khuyến khích trẻ sử dụng máy móc vì sẽ làm mất đi ý nghĩa của lao động. Để trẻ lao động chân tay, động não cũng chính là giúp trẻ phát triển trí lực và kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Động viên, khích lệ
Ngày nào trẻ cũng phải làm việc nhà thực ra không chỉ mệt mỏi mà hiệu quả cũng không rõ ràng, rất dễ gây nhàm chán, mất hứng thú. Do đó, các bậc cha mẹ nên kiên trì thống kê để thấy rõ thành quả lao động của con, tăng thêm lòng tự tin cho con.
Ví dụ, cụ thể số lượng bát đĩa con đã rửa hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng là bao nhiêu, mỗi năm con số này lớn tới hàng ngàn chiếc, trọng lượng vài tạ; hoặc mỗi năm trẻ đã quét dọn nhà cửa bao nhiêu lần, tiết kiệm cho cha mẹ hàng nghìn phút để cha mẹ nghỉ ngơi hoặc làm việc khác...
Qua phép thống kê có thể thấy được giá trị và tác dụng quan trọng của những việc làm đó. Trẻ cũng không ngờ mình đã làm được việc lớn và có ích như vậy, con bạn sẽ biết tôn trọng công sức của cha mẹ, ý thức được làm việc nhà là không hề đơn giản, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và hứng thú.
Các bậc cha mẹ nên kiên trì thống kê để thấy rõ thành quả lao động của con, tăng thêm lòng tự tin cho con.
Bồi dưỡng tri thức
Trẻ em thường không hiểu được làm việc nhà là một loại lao động tổng hợp mang tính khoa học, tính kỹ năng, tính tri thức… Ví dụ hàm lượng dinh dưỡng trong các loại thực phẩm, phương pháp chế biến, cách phối hợp các loại thực phẩm với nhau... Bạn có thể đặt mua sách báo liên quan đến dinh dưỡng, nấu ăn, mẹo vặt gia đình để con vừa đọc vừa thực hành.
Đồng thời cũng cần dạy con chú ý đến an toàn trong lao động như cách sử dụng thành thạo các thiết bị gia đình (bếp gas, lò vi sóng, đồ điện, máy giặt…), thực tế là truyền thụ cho con những kiến thức khoa học như sinh, hóa, vật lý...
Làm việc nhà cũng cần có kỹ năng, có óc thẩm mỹ, như trình bày một món ăn sao cho đẹp mắt, đặt một bình hoa ở đâu cho căn nhà thêm tươi sáng, bài trí đồ đạc sao cho có tính nghệ thuật...
Thời gian lao động hợp lý
Thiếu niên đang ở giai đoạn phát triển, thân thể còn non nớt, khả năng tự kiểm soát chưa cao nên khi làm việc thường thiếu tập trung, không kiên trì. Cha mẹ cần hiểu được đặc điểm sinh lý này để không bắt con làm việc quá lâu, quá gấp, không lấy tiêu chuẩn của người lớn để đánh giá trẻ, vì con không thể làm tốt như bạn được.
Một sai lầm cần tránh là khi trẻ làm chưa tốt, không nên quát mắng con là "đồ hậu đậu", "dốt", "chậm như rùa"... Sức tập trung chú ý của thiếu niên chỉ duy trì được khoảng 30 phút, nếu quá thời gian đó mà công việc chưa xong, bạn nên để trẻ nghỉ ngơi một lúc.
Nếu bắt ép con làm quá sức thì trẻ sẽ nảy sinh cảm giác chán nản, mệt mỏi, lần sau sẽ không muốn tham gia làm việc nhà cùng cha mẹ nữa.