Bị tai nạn trên đường đi làm việc có coi là tai nạn lao động?

30/11/2017 - 07:11
Trong giờ làm việc được lãnh đạo cơ quan giao nhiệm vụ đi giao dịch bên ngoài và chẳng may bị tai nạn thì có được coi là bị tai nạn lao động không?

Hỏi: Vợ tôi làm việc trong một xí nghiệp tư nhân đã được 5 năm. Vừa qua, trong giờ làm việc, vợ tôi được giám đốc phân công đi giao dịch bên ngoài. Không may lúc vừa ra khỏi nơi làm, vợ tôi bị tai nạn dẫn đến chấn thương nặng. Xin Báo PNVN cho biết, vợ tôi có được xem là bị tai nạn lao động không? Nếu có thì vợ tôi sẽ được hưởng chế độ thế nào?

                                                                                                           Hoàng Thế Anh (Phú Yên)

laodong.jpg
Chế độ dành cho người bị tai nạn trên đường đi làm việc. Ảnh minh họa: Internet

Trả lời: Theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;…

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Còn theo Điều 145, Bộ luật Lao động 2012 về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH.

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH...

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

Theo như anh trình bày và đối chiếu với các quy định của pháp luật, trường hợp của vợ anh được coi là tai nạn lao động (điểm b, khoản 1, Điều 43 Luật BHXH).

Về mức hưởng chế độ tai nạn lao động thì tùy theo mức độ thương tật của nạn nhân, anh có thể tham khảo thêm các điều từ Điều 45 đến Điều 52 Luật BHXH 2014 để biết rõ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm