Bị tay chân miệng có nên tắm không? Hướng dẫn cách tắm cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Anh Dũng
22/12/2020 - 08:50
Bị tay chân miệng có nên tắm không? Hướng dẫn cách tắm cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà
Tắm cho trẻ bị tay chân miệng là một trong những lưu ý cần thiết khi chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà. Nếu làm không đúng cách, các nốt phỏng nước có thể nhiễm trùng gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do 2 loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây nên. Bệnh lây lan rất nhanh, chủ yếu thông qua đường tiêu hóa nhưng khá lành tính và có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế.

Vì vậy, việc chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà là vô cùng quan trọng. Trong đó, việc tắm cho trẻ bị tay chân miệng đúng cách là một lưu ý vô cùng cần thiết khi chăm sóc trẻ.

1. Trẻ bị tay chân miệng có nên tắm không?

Khi mắc bệnh tay chân miệng, trên người trẻ, đặc biệt là ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông sẽ mọc một số các ban mụn, các mụn này có chứa nước và khi mụn bị vỡ ra thì các vi khuẩn sẽ khiến bệnh lây nhiễm mạnh. Các vết loét đỏ do mụn vỡ này gây đau đớn, khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng ở trẻ.

Một số phụ huynh quan niệm rằng khi trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gió, kiêng nước nên không tắm cho trẻ, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Hướng dẫn cách tắm cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà - Ảnh 2.

Quan điểm không nên tắm để vết mụn không bị vỡ, vi khuẩn sẽ không lây lan sang vùng khác khi bị tay chân miệng là hoàn toàn sai lầm (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, hạn chế để các nốt mụn bị vỡ là điều hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên nếu kiêng nước không cho bé tắm thì các loại vi khuẩn sẽ có điều kiện để phát triển. Từ đó dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Việc giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ là một trong những nguyên tắc hàng đầu khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng, đóng vai trò rất lớn đến khả năng phục hồi và hạn chế các biến chứng nhiễm trùng có thể xảy ra. Nên tắm cho trẻ là điều vô cùng cần thiết khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

2. Hướng dẫn tắm cho trẻ bị tay chân miệng

Tắm rửa cho trẻ khi bị bệnh tay chân miệng là cần thiết vì chúng giúp vi khuẩn không có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi tắm cho trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những nguyên tắc sau đây:

- Cần tắm ở nơi kín gió, đóng cửa để tránh gió lùa khiến trẻ sốt cao hơn.

- Chú ý nhiệt độ nước, không để nước quá nóng hoặc quá lạnh.

- Có thể sử dụng xà phòng diệt khuẩn hoặc các loại lá tự nhiên đun sôi lấy nước tắm để làm giảm sự khó chịu do các nốt mụn nước gây ra.

=>> Tìm hiểu thêm một số loại lá được sử dụng để tắm cho người bệnh tay chân miệng qua bài viết: Bị tay chân miệng có nên tắm lá không? Loại lá nào được sử dụng để tắm cho người bệnh?

Các loại lá như chè xanh, bạc hà, diếp cá... đun sôi có thể dùng để tắm cho trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Các loại lá như chè xanh, bạc hà, diếp cá... đun sôi có thể dùng để tắm cho trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)

- Các loại lá được dùng để nấu nước tắm có tác dụng hỗ trợ điều trị các vết mụn nước trên da trẻ hiệu quả như lá chè xanh, lá rau sam, cỏ nhọ nồi, lá diếp cá, lá chè vằng, lá cây bạc hà.

- Dùng khăn mềm thấm nước ấm lau nhẹ các vùng trên cơ thể trẻ. Có thể để trẻ ngồi trong chậu hoặc trong bồn tắm, sau đó sử dụng vòi hoa sen để dội nước lên cơ thể trẻ.

- Trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi, da của trẻ còn mỏng và dễ bị kích ứng thì mẹ không nên cho con sử dụng sữa tắm. Với trẻ trên 6 tháng tuổi nên sử dụng sữa tắm chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, được chiết xuất từ các thành phần tự nhiên để tránh kích ứng.

- Hạn chế đụng vào các vết mụn nước trên người trẻ. Tuyệt đối không chọc gây vỡ các mụn nước. Các vết mụn vỡ ra có thể gây lở loét dẫn đến nhiễm trùng.

- Sau khi tắm, dùng nước ấm dội nhẹ để tráng cơ thể và lấy khăn mềm lau khô người trẻ một cách nhẹ nhàng trước khi cho bé mặc quần áo.

- Thay quần áo mới sạch, thoáng mát hàng ngày sau khi tắm.

Lưu ý thời gian tắm cho trẻ khi bị tay chân miệng không nên quá lâu, thời gian tốt nhất để tắm cho trẻ chỉ trong khoảng 5 phút là vừa đủ. Nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ khỏi trong vòng 1 tuần lễ mà không gặp bất kỳ biến chứng nào. Ban đầu những bóng nước sẽ có dịch trong và không để lại sẹo khi lành.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm