pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu lên phương án di dời dân vùng lụt bị cô lập
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: TTXVN
Chiều 29/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng Đoàn công tác của thành phố đã đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã nghe các địa phương báo cáo về tình hình ngập lụt tại huyện Chương Mỹ và Quốc Oai; kiểm tra thực tế tại thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) và xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Chương Mỹ về công tác di dời khoảng 1.300 hộ dân đến nơi an toàn, hiện vùng lũ lụt còn khoảng 700 hộ với khoảng 1.000 người vẫn đang bám trụ.
Bà Bùi Thị Minh Hoài cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ tính mạng người dân, đồng thời yêu cầu bằng mọi cách, kể cả cưỡng chế di dời khẩn cấp 700 hộ dân. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương quan tâm bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, chăm lo đồ ăn, thức uống, đảm bảo nước sạch cho các hộ dân, đặc biệt quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật... Bởi dự báo thời tiết những ngày tới còn phức tạp, vùng ngập có thể kéo dài 10-15 ngày.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh lãnh đạo địa phương cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân khu vực ngập lụt sau khi nước rút và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các trận mưa tiếp theo, không để bị động trước các tình huống.
Với các điểm đê xung yếu ở sông Bùi, Bí thư Thành uỷ Hà Nội giao các đơn vị liên quan trực chiến 24/24h sẵn sàng phương án xử lý khẩn cấp nếu xảy ra sự cố. Dự kiến chiều 30/7, lãnh đạo thành phố họp bàn để đưa ra phương án giải quyết tình trạng ngập lụt ở một số khu vực ngoại thành, trong đó có Chương Mỹ.
Thông tin thêm về các biện pháp thành phố đang triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố đã có công văn đề nghị Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng một cửa xả từ 13h ngày 29/7. Hà Nội cũng đề nghị tỉnh Hà Nam điều tiết nước để giảm áp lực cho đê sông Bùi; vận hành tối đa công suất trạm bơm Yên Sở giảm áp lực nước cho sông Nhuệ.
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của bão, từ ngày 22 đến 29/7, địa bàn mưa 370 mm. 24 thôn xóm bị ngập, trong đó hơn 1.230 hộ ngập 0,5-2 m; 1.230 hộ ngập lối đi; hơn 2.000 m tường bao bị đổ. Hơn 5,5 km đê thuộc 11 xã (Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú) bị tràn, 37m đê bị sạt.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho hay khi nước sông Bùi tràn qua đê, chính quyền đã di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt. Đến nay, còn hơn 700 hộ vẫn ở vùng ngập lụt, lực lượng chức năng đang tập trung cung cấp nước sạch và lương thực cho bà con. Huyện đã lắp đặt téc nước và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm, bố trí trạm y tế lưu động ở xã Nam Phương Tiến.
Cùng với các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, huyện Chương Mỹ có địa hình phức tạp, gò đồi xen kẽ các vùng trũng, đặc biệt là vùng Hữu Bùi thuộc vùng ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ dãy Ba Vì, Lương Sơn đổ về. Ngoài ra, hệ thống đê, công trình tiêu thoát nước chưa được quan tâm đầu tư nên khu vực này thường xuyên bị nước tràn đê, gây ngập úng cục bộ.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, 4 lần nước tràn qua đê Hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu năm 2008, khi Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017, lần thứ ba vào tháng 7/2018 và đây là lần thứ tư.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định trong 3 ngày tới, miền Bắc mưa lớn. Trọng tâm mưa là trung du và vùng núi phía Bắc với lượng 70-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Đồng bằng mưa ít hơn, phổ biến 50-150 mm, có nơi trên 200 mm. Mưa lớn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp và nguy cơ sạt lở, lũ quét ở vùng cao.