Bị thủy đậu kiêng kiểu này dễ nhiễm trùng máu

11/02/2017 - 14:07
Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não và màng não, nếu bệnh nhân kiêng tắm, vệ sinh không đúng cách.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ cho biết, có những ngày khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 3-4 bệnh nhân thủy đậu. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới vài tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ. Trẻ hơn 1 tuổi bị thủy đậu nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng da, các vết phỏng nước xuất hiện khắp người, trong đó tập trung nhiều nhất ở đầu, chân và tay. Đặc biệt, có bé bị sốt cao, bội nhiễm, một bên mắt viêm sưng tấy không mở được. 
thuy.jpg
Không tự ý bôi các loại thuốc lá lên nốt thuỷ đậu
Tuy là bệnh lành tính nhưng thủy đậu cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. 
“Hiện bệnh thủy đậu đang vào mùa nên số người mắc có xu hướng tăng. Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng nhưng đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vaccine. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, là có thể tiêm vaccine này. Sau đó khoảng 6 tuần, tiêm mũi nhắc lại, để có hiệu quả phòng bệnh. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần”, TS.BS Lâm cho hay.
Cách điều trị thủy đậu phản khoa học
Theo TS Lâm, hiện nhiều người quan niệm sai lầm khi chữa thủy đậu như kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn… Tuy nhiên, việc không tắm, ủ ấm cho trẻ sẽ khiến cho bệnh càng nặng thêm, dễ dẫn đến nhiễm trùng và biến chứng làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Kiêng tắm, còn khiến người bệnh ngứa ngáy, gãi gây vỡ bọng nước tạo thành sẹo sau này. 
Nhiều người còn lấy gốc rạ tắm hoặc đốt để lấy nước uống sẽ dễ dẫn đến ngộ độc, nhiễm trùng. Hoặc bôi nước lá lên nốt thủy đậu cũng không đúng, bởi tự ý bôi chấm các loại lá không rõ nguồn gốc lên vết mụn, rất dễ gây nhiễm trùng bội nhiễm. 
Nhiều người còn kiêng ăn cá, tôm, đồ nếp… vì cho rằng gây nóng, ngứa cũng không có cơ sở khoa học. Việc ăn uống thiếu chất sẽ gây mệt mỏi cho người bệnh.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Lâm, thủy đậu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung vitamin C, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. 
"Bệnh nhân cần nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa", TS Lâm cho biết thêm.
Đối với trẻ em, n
ên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước; cho bé ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả; dùng dung dịch Xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Chưa đầy 1 tháng lại đây, BV E Trung ương tiếp nhận 20 ca thủy đậu; BV Việt Nam-Cuba Hà Nội, tiếp nhận trên 70 người mắc bệnh này. Còn BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), cũng tiếp nhận gần 30 ca mắc thủy đậu. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm