pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giới khoa học về vaccine vào cuộc nghiên cứu biến thể Omicron
Biến thể mới Omicron đang khiến nhiều quốc gia lo ngại
Biến thể mới của SARS-CoV-2 Omicron xuất hiện trong bối cảnh nhân loại tin rằng đại dịch Covid-19 dần trở thành một căn bệnh đặc hữu mà con người sẽ phải chung sống. Biến thể đáng lo ngại Omicron đã xuất hiện ở vùng Hạ Sahara vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp, sau đó đi vào Nam Phi. Có thể đây là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
Tối 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng Omicron lên mức cao nhất là "biến thể đáng lo ngại". Đây là "biến thể đáng lo ngại" thứ 5, đồng thời là chủng virus mới nổi được đưa vào nhóm này nhanh nhất. Bốn biến thể còn lại - Alpha, Beta, Gamma và Delta - mất từ 2 đến 7 tháng kể từ khi xuất hiện để được công bố là "biến thể đáng lo ngại".
Ngày 28/11, WHO cho biết vẫn chưa rõ liệu biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2 hay không và cũng không rõ liệu biến thể mới có gây ra bệnh nặng hơn không.
Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, chuyên gia về dịch tễ và là thành viên cấp cao của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho biết, biến thể Omicron có khả năng lây lan gấp 500% so với biến thể Delta. Tuy nhiên, bác sĩ ở Nam Phi cho biết, các bệnh nhân có triệu chứng rất nhẹ. Do đó, có thể biến thể này lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm.
Theo tờ Telegraph (Anh), đến thời điểm hiện tại, bác sĩ Angelique Coetzee đã điều trị cho 20 bệnh nhân dương tính nhiễm biến thể Omicron, hầu hết là nam, còn trẻ. Một nửa trong số họ chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Bệnh nhân có thể bị đau cơ và mệt mỏi trong 1-2 ngày, hoặc ho nhẹ.
Có một bệnh nhân là bé gái khoảng 6 tuổi bị sốt cao và nhịp tim đập nhanh. Sau 2 ngày theo dõi, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tốt.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu Omicron không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả ở những người chưa tiêm, điều đó cho thấy có thể virus đang chuyển sang giai đoạn "bệnh đặc hữu", nghĩa là virus xuất hiện thường xuyên nhưng dễ kiểm soát hơn.
"Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng lên ở Nam Phi. Tuy nhiên, điều này có thể là do tổng số người mắc Covid-19 ngày càng tăng, chứ không phải do mắc biến thể Omicron", đại diện WHO thông tin.
Cũng theo WHO, để hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron, sẽ mất từ vài ngày cho đến vài tuần.
Các nhà khoa học về vaccine cũng đã vào cuộc nghiên cứu về biến thể Omicron. Hãng dược BioNTech (Đức) đã tuyên bố sẽ có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả của vaccine hợp tác với Pfizer (Mỹ) đối với biến thể mới trong vòng 2 tuần. BioNTech cho biết, việc điều chỉnh vaccine (nếu cần) sẽ rất nhanh chóng.
Trong khi đó, Hãng dược Moderna đang thử nghiệm giải pháp tiêm liều tăng cường cao hơn và Hãng dược AstraZeneca xác nhận đã bắt đầu thử nghiệm liệu pháp kết hợp kháng thể để chống Omicron.
Các biến thể là điều đã được giới khoa học cảnh báo từ trước. "Virus sẽ liên tục tạo ra các biến thể mới. Hầu hết các biến thể không đáng kể, nhưng điều quan trọng vẫn là xác định và theo dõi các biến thể mới để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó", chuyên gia Amesh Adalja, thuộc Trung tâm An ninh y tế của Đại học Johns Hopkins, nói.
Theo WHO, cho đến nay đã ghi nhận 13 biến thể của SARS-CoV-2, trong đó nguy hiểm nhất là Delta.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron nhắc nhở mỗi người rằng, Covid-19 vẫn chưa chịu đầu hàng con người. Hãy luôn nhớ thực hiện các biện pháp phòng bệnh 5K, mà quan trọng nhất là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay và thực hiện tiêm chủng vaccine đầy đủ.