'Biển' trà xanh trên núi

09/10/2015 - 08:45
Sri Lanka không chỉ có những bờ biển trải dài mà còn được cả thế giới biết đến qua những đồi chè xanh mướt. Cách thủ đô Colombo 125km là vùng đồi Nuwara Eliya nổi tiếng với màu xanh đến tận chân trời.
Những luống chè được “quy hoạch” trên những ngọn đồi thoai thoải trông tựa như cánh đồng. Khi tới đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một màu xanh mướt thường chỉ gặp trong những bức tranh. Ghé thăm công ty trà Mackwoods do thuyền trưởng người Anh William Mackwood thành lập vào năm 1841, tôi có dịp quan sát những gốc chè cổ, tuổi dễ đến hơn trăm năm, khô cứng nhưng vẫn tiếp tục cho hoa cho lá. Hoa chè màu trắng ngà, có 5 cánh bọc quanh 1 tâm tròn chứa đến cả trăm nhị vàng đậm, rất thơm, như mùi hoa lài.

Thưởng thức bữa sáng giữa thiên nhiên khoáng đạt

Được chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất chè, tôi mới thực sự thấm thía nỗi vất vả của người nông dân nơi đây. Từ công đoạn trồng, chăm sóc chè đến hái chè, sao, vò chè, lên hương… đều rất cẩn thận và nhanh nhạy, thể hiện sự tinh tế của người làm. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã đủ để ta thấy được lòng nhiệt huyết và say nghề của người dân đối với thứ cây đã gắn bó bao đời trên mảnh đất quê hương. Chị Maria, quản lý nhà máy chè, tận tình dẫn tôi đi từng nơi, giải thích tường tận về từng loại giống trà, đặc điểm khác nhau, cách trồng và chăm sóc… Đặc biệt khi tham quan nhà máy, tôi được nghe giới thiệu chi tiết về quy trình làm trà và tận tay chạm vào các máy móc, nguyên liệu trà đang trong quá trình chế biến. Sau khi tham quan, du khách có dịp thưởng thức những chén trà thơm ngon pha sẵn tại đây. Tôi gọi 1 chiếc bánh ngọt để dùng kèm với trà, tựa mình vào chiếc ghế, phóng tầm mắt về phía những đồi chè xanh bát ngát, cảm giác bình yên ấy khiến tôi như lạc vào miền cổ tích.
 

Khách sạn bên sườn núi

Xứ sở dâu tây
Được thiên nhiên ưu ái về khí hậu, vùng Nuwara Eliya còn nổi tiếng với những trang trại dâu tây. Mỗi mùa dâu chín, màu đỏ đầy sức sống của những trái dâu căng mọng lấp ló dưới tán lá, khiến bất kỳ ai “lạc” vào đây cũng đều xuýt xoa, trầm trồ. Dâu tây vốn là loại quả đặc trưng của vùng ôn đới, nay lại có thể được trồng và đơm hoa kết trái ở ngay giữa lòng một đất nước nhiệt đới nắng nóng quanh năm. Bởi vậy, các trang trại dâu tây là địa điểm khá thú vị thu hút rất đông khách du lịch.

Món pizza dâu tây hấp dẫn

Chắc hẳn ai ai cũng tò mò xem cây dâu tây hình dạng thế nào và cách thức trồng dâu ra sao. Nuwara là nơi duy nhất trên đất nước Sri Lanka trồng được loại quả này. Trước đây, dâu tây được trồng trực tiếp trên mặt đất. Hiện nay các trang trại dâu tây ở đây đều đã chuyển sang phương pháp thủy canh trong nhà vườn có rào xung quanh và được đặt hoặc treo trên giá, cách mặt đất chừng 1m, nhằm hạn chế sâu bệnh và sự xâm nhập của côn trùng gây hại. Đất trồng được cho vào các túi nylon riêng biệt hoặc cho vào các chậu nhỏ.
Các trang trại đều có dịch vụ self-plucking - có nghĩa là bạn sẽ được “làm nhà nông” xách những chiếc giỏ vào vườn tự tay lựa chọn, hái những trái dâu mà mình thích, sau đó sẽ mua lại chúng. Dâu tây không chỉ được bán dưới dạng quả tươi mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm khác. Ngay tại các quán cà phê ở trang trại dâu hay quanh vùng Nuwara, tôi được nghe tới cái tên “bánh pizza dâu tây” nhiều nhất và những người hướng dẫn luôn dặn dò rằng “đã đến đây thì phải để dành bụng để ăn mòn này”. Ngoài ra, du khách có thể tìm thấy trong thực đơn rất nhiều món được chế biến từ dâu tây như các loại bánh dâu, kem dâu, sinh tố dâu, trà dâu…
 

Trong một công ty sản xuất trà

Trải nghiệm tại “khách sạn nhà máy”
Tôi cũng không quên ghé thăm khách sạn “có một không hai” trên thế giới được thiết kế từ một nhà máy sản xuất trà cũ: Khách sạn Heritance tea Factory. Lấy nguồn cảm hứng từ một nhà máy trà, qua bàn tay tài năng của kiến trúc sư Nihal Bodhinayake, nó đã được tu sửa và nâng cấp thành khách sạn. Ý tưởng độc đáo và tạo bạo này không ngờ lại trở nên nổi tiếng và nhận được rất nhiều giải thưởng về kiến trúc.

Những búp trè xanh non mới hái

Thái tử Charles của nước Anh từng đến nghỉ tại khách sạn này. Nhìn bên ngoài, khách sạn chỉ giống như một nhà máy trà bình thường nhưng khi vào trong, bạn như lạc về một nhà máy sản xuất trà từ thời xưa. Tất cả những cỗ máy, bánh xe, ròng rọc đều được giữ nguyên vẹn để trang trí. Thậm chí cả toa xe lửa bên cạnh nhà máy dùng để chuyên chở trà cũng được thiết kế lại thành một nhà hàng dùng bữa tối.
Khi đặt chân đến khách sạn, bạn sẽ nhận được một nghi thức chào đón rất nồng hậu từ các nhân viên. Họ mời bạn 1 tách trà ăn kèm với những hạt nhỏ có mùi thơm giống như quế. Tất cả được đưa đến trên 1 chiếc xe đẩy chế tác từ thùng gỗ cổ nhìn rất thú vị.
Còn gì hấp dẫn hơn khi được thăm thú đồi chè cả ngày, chiều chiều đi bộ hay ngồi nhấm nháp những tách trà trong không gian xanh mướt bao quanh.
 
Thông tin cho bạn
* Đi thế nào?
Từ TPHCM có các chuyến bay của các hãng hàng không Thai Airways và Singapore Airlines quá cảnh tại Bangkok hay Singapore để nối chuyến bay tiếp bay đến Colombo của Sri Lanka. Giá vé khứ hồi khoảng 700 USD (gần 15 triệu đồng).
Từ sân bay quốc tế ở Colombo, bạn book xe đi thẳng đến cao nguyên Nuwara Eliya, thời gian đi khoảng 5 tiếng.
Visa vào Sri Lanka: vào trang web http://www.eta.gov.lk để xin visa online, lệ phí 30 USD (khoảng 630.000đ).
* Nghỉ ở đâu?
Ở Nuwara Eliya có nhiều nhà nghỉ và khách sạn tốt. Bạn có thể chọn khách sạn đã đề cập trong bài. Ngoài ra còn một số khách sạn khác như Galway Forest Lodge, King Fern Cottage, Spring Acre…
* Ăn gì?
- St Andrews Hotel là nhà hàng buffet nhiều món Á - Âu cho bạn lựa chọn.
- Nhà hàng The Hill Club.
* Thăm quan nơi nào?
- Đền thờ Seetha theo lối kiến trúc Hindu
- Công viên quốc gia Hortons Plains National là nơi lý tưởng cho những cuộc dã ngoại hay tản bộ dưới bầu không khí trong lành.
- Nhà máy chế biến trà Pedro Tea Factory.
- Vườn Haggala Botanical với nhiều loại hoa và thực vật nổi tiếng của đất nước Sri Lanka như: đinh hương, quế, bạch đậu khấu, hạt tiêu.
* Lưu ý
- Bạn nên đổi tiền ngay tại sân bay.
- Vào các khu đền thờ, nên đem theo chiếc khăn để choàng lên vai và tay. Tuyệt đối không làm ồn và không chụp ảnh khi người dân đang làm lễ. Bỏ giày dép ở ngoài cửa trước khi vào chùa/đền thờ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm