Biết đi đường, lộ thông tin cá nhân

30/10/2015 - 09:42
Chiếc smartphone có thêm chức năng chỉ cho ta biết những con đường nào thông thoáng nên đi vào, những con đường nào đang bị ùn tắc cần phải tránh. Nhưng đi theo nó là nguy cơ bị khai thác thông tin cá nhân.
Cách đây khoảng 9 năm, đi công tác tại Đài Loan (Trung Quốc), tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy người tài xế liên tục nhận thông tin từ một thiết bị giống như chiếc điện thoại thông minh gắn trước tay lái, theo hướng dẫn điều khiển xe bon bon trên những con đường rộng rãi, thông thoáng. Mặc dù khi ấy là giờ tan tầm, thủ phủ Đài Bắc thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ.
Hỏi người tài xế, ông cho biết đó là thiết bị định vị GPS, được kết nối trực tiếp với vệ tinh. Sau này, khi GPS trở thành một thiết bị quen thuộc ở Việt Nam, thì tôi vẫn còn “thắc mắc” về tính năng cập nhật tình hình đường sá gần như “tức thì”. Có những thông tin cho biết, sở dĩ hệ thống định vị của Đài Loan (hay một số quốc gia phát triển khác) có thể hướng dẫn giao thông “nhanh nhạy” như vậy, là do chế độ cập nhật chỉ vài phút 1 lần, thậm chí là cập nhật thường xuyên. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tính năng “lợi hại” nói trên đã giúp các nền kinh tế phát triển tiết kiệm được cả tỉ USD/năm.
Gần đây, có thông tin Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel Telecom) đang thảo luận để xem xét triển khai đề án ứng dụng mới giúp giám sát phương tiện giao thông qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Ứng dụng này cũng cho phép cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông nhằm giúp người điều khiển phương tiện tìm ra giải pháp hợp lý để tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ứng dụng chỉ hoạt động được với điều kiện thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu của mình.
TS Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng của Viettel Telecom, cho biết: Người tham gia giao thông chỉ cần cài đặt phần mềm bản đồ số trên ĐTDĐ để có thể xem đường đi và không mất chi phí cho nhà mạng. Dữ liệu khách hàng được Viettel thu nhập để chuyển sang xử lý chỉ là các dữ liệu giao thông như tốc độ, hướng di chuyển của số đông phương tiện; tuyệt đối không xử lý dữ liệu khác của mỗi cá nhân.

Đề án giám sát phương tiện giao thông qua ĐTDĐ vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, ứng dụng này đem lại tiện ích cho cả người sử dụng dịch vụ lẫn cơ quan quản lý Nhà nước. Nó giúp phản ánh trạng thái thực của dòng giao thông, đặc biệt phản ánh tốc độ cũng như các hiện tượng xảy ra trên đường để điều tiết giao thông phù hợp. Người dân sẽ được cung cấp trạng thái giao thông, sau đó chỉ cần vài thao tác đơn giản trên ĐTDĐ của mình là đã có thể vạch ra lộ trình đi lại thuận lợi nhất.
 
LO NGẠI
Mặc dù những người tham gia đề án nói trên khẳng định, thông tin sử dụng là thông tin không định danh, và kể cả trong trường hợp hệ thống giám sát giao thông bị “hack” thì cũng không có bất kỳ thông tin cá nhân nào bị rò rỉ, song chừng đó cam kết là vẫn chưa đủ khiến người dùng cảm thấy an tâm.
Chắc chắn, không người dùng ĐTDĐ nào muốn cá nhân mình bị “giám sát” dưới bất kỳ hình thức hay mức độ nào. Việc cung cấp dữ liệu cá nhân cho nhà mạng, bất kể hình thức nào, cũng là chấp nhận sự giám sát, theo dõi. Đó là lý do đầu tiên khiến không ít ý kiến chưa ủng hộ đề án nói trên. Thực tế cho thấy, tính bảo mật của thiết bị di động đang ngày một trở nên mong manh trước sự “tiến bộ vượt bậc” của các tổ chức tội phạm mạng.
Mặt khác, trong khi nhiều nước phát triển thường sử dụng hệ thống định vị GPS để cung cấp thông tin giao thông (bao gồm dẫn đường và hướng dẫn tránh các sự cố giao thông) và ở Việt Nam cũng đang phát triển mạnh công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ GPS (người dùng không phải cung cấp dữ liệu cá nhân), thì đề án trên có vẻ đã làm dấy lên không ít lo lắng từ phía người dùng.

 Người dân nhiều nước phát triển sử dụng GPS để dễ dàng cung cấp thông tin giao thông

Vì thế, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đã nhận định rằng: “Nếu mục đích chỉ để giám sát phương tiện giao thông, tại sao cơ quan thực hiện dự án không sử dụng thiết bị giám sát hành trình có kết nối mạng để gắn vô xe của người điều khiển (tương tự thiết bị giám sát hành trình thực hiện trên ô tô hiện nay) mà phải sử dụng dịch vụ trên ĐTDĐ?”. TS Phạm Sanh cũng đặt giả thiết: “Nếu người sử dụng tắt điện thoại hay tắt mạng internet, GPS thì làm sao có được dữ liệu để giám sát?” và “Ai dám khẳng định thông tin này sẽ được nhà mạng bảo đảm an toàn tuyệt đối?”.
 

Xét về mục đích, cả 2 giải pháp kỹ thuật (sử dụng GPS và ĐTDĐ) đều hướng tới mục đích thông báo/cảnh báo về tình hình giao thông, nhằm “tư vấn” để người điều khiển giao thông lựa chọn con đường di chuyển thuận tiện nhất. Tuy nhiên, giải pháp thông tin qua GPS được cho là an toàn và chính xác hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm