Biết trước ngày chia xa

07/08/2015 - 17:40
Đứng trước ranh giới sống và chết, điều mà các bệnh nhân ung thư và người thân thường lo sợ là những giây phút yếu lòng, đánh mất niềm hy vọng…

Từ gần 3 tháng nay, một ngày mới của 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Hằng và bé Trần Đức Trọng (quê Nghệ An) đã không thể bắt đầu với những thanh âm tươi vui mà bằng những giọt nước mắt. Bé Trọng là bệnh nhân ung thư máu nhỏ tuổi nhất tại Khoa nhi, Viện Huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội).

Những ngày vui đang dần xa mẹ con chị Nguyễn Thị Hằng và bé Trần Đức Trọng 

Mắc căn bệnh bạch cầu cấp, ngày đầu của đợt truyền hóa chất thứ 3 diễn ra thật nặng nề vì bé Trọng bất ngờ bị nấm máu (hiện tượng virus xâm nhập, phát triển trong máu). Cùng với nỗi đau đớn vì hóa chất, cơ thể gầy yếu mới 15 tháng tuổi của bé còn phải chống chịu thêm một loại thuốc điều trị còn nặng hơn cả truyền hóa chất. Cơn đau suốt đợt truyền thuốc cứ ào đến khiến bé Trọng bình thường rất ngoan hiền, giờ luôn miệng quấy khóc. Thằng bé khóc ngặt trong khi bác sĩ cố gắng tìm mạch ven nhỏ xíu trên cánh tay chi chít những mũi kim truyền để tiêm thuốc giảm đau.

Thương con, người mẹ đã khóc cạn nước mắt, dù rất mỏi mệt nhưng chị vẫn âu yếm ôm con, chốc chốc lại thơm lên mái đầu nhỏ trọc lốc, rồi hát ru nhè nhẹ như để xoa đi mọi đau đớn. Cảm nhận sự vỗ về yêu thương của mẹ, bé Trọng thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ.

Sau một ngày mà có lẽ còn dài hơn cả một ngày vì chị Hằng đã thức suốt cả đêm trước đó để chăm con đau bệnh, mãi đến chiều muộn, khi bé Trọng đã bớt đau và dần hồi lại sức, chị mới nuốt nổi miếng cơm. Đã 3 tháng nay, vì quá lo lắng cho tình trạng bệnh của con, chị Hằng hầu như mất hết ý niệm về thời gian cùng sự cảm nhận cuộc sống.

Gia đình chị làm nông nghiệp, con đi viện thế này, tiền lo chữa bệnh đã khổ nhưng họ còn nhức lòng hơn khi nghĩ đến việc không may phải vĩnh viễn xa con. Nén lại bao nỗi khó nhọc của gánh nặng cơm áo, tiền viện phí, thuốc men và cả nỗi đường xa lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội, vợ chồng chị Hằng cùng động viên nhau “còn nước còn tát”. Họ hy vọng có thể chiến thắng được Tử thần để nối dài sự sống cho con!

Gắng giữ sự lạc quan

Chị Nguyễn Thị Nhân (Ninh Bình) tâm sự, trong gần 2 năm cùng chồng là anh Nghiêm Văn Kiên chống chọi với căn bệnh ung thư tại Khoa Điều trị hóa chất của Viện Huyết học truyền máu Trung ương, chị đã chứng kiến biết bao cảnh đau lòng: Vợ mất chồng, bố mẹ mất con, có những người bệnh nghèo ở quê sau vài năm điều trị phải bán sạch nhà cửa, ruộng vườn, giờ chỉ còn lại 2 bàn tay trắng mà bệnh trọng vẫn không thuyên giảm, nỗi sợ hãi về cái chết luôn đeo bám.

Chồng chị Nhân là một thương binh, những năm chống Mỹ bom đạn chẳng dễ lấy đi sinh mạng, vậy mà khi được sống trong hòa bình thì anh lại sớm phải đối mặt với Tử thần. 5 năm trước, anh Kiên bị suy tim độ 3, lúc nhập viện phát hiện thêm bệnh ung thư máu. Từng điều trị qua rất nhiều bệnh viện, đến năm 2013, anh Kiên chuyển tới Khoa điều trị hóa chất. Bệnh tình đã đến giai đoạn này thì gần như còn rất ít hy vọng sống.

Cũng là vợ của bệnh nhân ung thư máu, chị Đào Thị Bích Thúy (Thanh Hóa) tâm sự: “Trải qua những kỳ điều trị hóa chất, chồng tôi kéo dài được gần 2 năm. Nếu tiếp tục điều trị, chắc anh sẽ sống thêm được ít tháng nữa, nhưng vì quá thương mẹ con tôi vất vả, kinh tế cạn kiệt, quan trọng hơn là qua các đợt điều trị, anh dường như thấy được cái đích cuối cuộc đời, sau rồi chồng tôi đã ra đi…”.  

Ở một góc nhỏ khác, câu chuyện của vợ chồng anh Bình - chị Hồng (Bắc Giang) là một niềm khích lệ lớn lao cho những gia đình không may có người thân mắc ung thư. Sau đợt hóa trị dài, chị Hồng tạm thời được ra viện với bản xác nhận kết quả điều trị tốt của bác sĩ. Trìu mến lau mặt cho vợ, anh Bình nhớ lại lúc chị Hồng mới phát hiện bệnh, tinh thần cả nhà hoang mang biết chừng nào, nhất là những tuần đầu chị mới nhập viện, ở nhà chỉ còn lại 3 bố con bên mâm cơm nguội lạnh chan nước mắt. Anh Bình như đứt từng khúc ruột khi nghe các con khóc hỏi: “Bố ơi, nhà mình có đủ tiền chữa bệnh cho mẹ và mẹ có thể được chữa khỏi được không?”. Anh dằn lòng, xốc lại tinh thần không cho phép mình gục ngã, nỗ lực lo tiền bạc, động viên vợ vững vàng chữa bệnh. Ngồi kế bên, chị Hồng nói trong nước mắt: “Lúc ấy tinh thần tôi suy sụp lắm, cảm thấy đau lòng trước bệnh tật và mất đi sự bình yên trong cuộc sống. Cái chết luôn ám ảnh nhưng rồi được chồng con động viên, dần dần tôi đã dần lấy lại nghị lực, tự nhủ mình nhất định phải sống”.

Đáng khâm phục là một số bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, vững vàng. Họ chia sẻ: “Cuộc sống nhiều vất vả, bệnh tật có thể xảy đến với bất kỳ ai, lo nghĩ quá nhiều chỉ làm khổ mình, khổ người thân. Có thể thái độ lạc quan không đảm bảo được rằng chúng tôi sẽ chiến thắng bệnh nhưng khi sống có niềm tin, chắc chắn sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người trong quá trình đương đầu với trọng bệnh”.

Rất khó để một người tự đương đầu với căn bệnh ung thư, bởi khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, người ta sẽ cảm thấy khó khăn để nạp thêm sức mạnh. Bởi vậy, người bệnh hãy chia sẻ cảm xúc của mình và việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát, dần thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực. Hãy cố gắng mở rộng sự hỗ trợ bằng cách hướng tới người thân, bạn bè hoặc các tổ chức hỗ trợ. Họ sẽ giúp bạn cảm thấy không cô đơn trong đoạn đường khó khăn này. Họ sẽ ở bên bạn để chia sẻ với bạn những sợ hãi, niềm hy vọng và cả những chiến thắng trên mỗi bước đi.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn

 

Theo số liệu thống kê mới nhất Việt Nam là một trong số những nước có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới. Mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, đứng thứ 2 chỉ sau bệnh tim mạch. Nếu cộng thêm với số bệnh nhân đã mắc tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 240.000 - 250.000 bệnh nhân bị ung thư đang điều trị. Con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Việt Nam

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm