Bình - An là một phép màu

11/09/2015 - 10:48
Nhìn 2 bé kháu khỉnh đùa giỡn trong vòng tay mẹ, ít ai ngờ khi còn trong bụng mẹ, 2 bé được tiên lượng là sẽ tử vong.

Chào đời bằng phương pháp sinh mổ, anh em sinh đôi Nguyễn Đình Gia Bình và Nguyễn Đình Gia An đều chỉ nặng 2kg. Sau 8 tháng, Bình - An đã phát triển như những đứa trẻ bình thường. 

Những ngày giông bão

Chị Ngô Thị Thu Dung (TPHCM) luôn cảm thấy mình là người mẹ hạnh phúc và may mắn bởi đã “giành giật được 2 con trai từ tay Tử thần”. Vì vậy, dù rất bận rộn khi phải chăm sóc các con, song chị Dung vẫn tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi của mình để đọc tin nhắn và “tư vấn” cho hàng chục thai phụ ở khắp nơi về hội chứng truyền máu song thai.

 Chị Dung bên hai bé Bình - An (Ảnh chụp 26/3/2015)


Chị Dung và ông xã “bén duyên” rồi kết hôn khi chị 29 tuổi. Lúc đó, chị là nhân viên kế toán còn ông xã làm lập trình viên nên kinh tế khá ổn định. Hơn 1 năm sau, con gái đầu lòng ra đời bằng phương pháp sinh mổ. Vợ chồng dự định khi bé được 5 tuổi mới tiếp tục sinh nhưng con gái vừa bước qua tuổi thứ 2, những dấu hiệu bất thường trong cơ thể đã mách bảo rằng chị bị “vỡ kế hoạch”. Tới tuần thứ 8 của thai kỳ, bác sĩ cho biết chị đã mang song thai.

“Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu mình là cảm giác lo lắng, vì sẽ khó khăn về kinh tế, những nguy hiểm từ song thai cũng rất nhiều, chỉ không ngờ, đó lại là truyền máu song thai - hội chứng mà ở Việt Nam chưa có bệnh viện nào chữa trị”, chị Dung nhớ lại.

Ở tuần thứ 18 của thai kỳ, bác sĩ cho biết chị Dung bị mắc hội chứng truyền máu song thai. Chị rất hoang mang, vì chưa bao giờ nghe nói đến hội chứng này. Sau khi bác sĩ giải thích, trường hợp của chị mới 18 tuần nhưng đã truyền máu song thai ở cấp độ 2, khả năng cứu sống thai nhi là vô cùng mong manh, chị ngã quị ngay tại bệnh viện. Chị kể: “Bác sĩ vẽ 1 vòng tròn rồi giải thích cho mình về trường hợp máu truyền từ bé này sang bé kia, bé truyền máu thì ngày càng teo đi do thiếu chất dinh dưỡng, còn bé nhận máu thì ngày càng phù và sẽ chết. Họ nói, thai của mình còn nhỏ mà đã ở cấp độ 2 nên cơ hội sống là không thể”.

Không đầu hàng

Sau khi nghe bác sĩ nói về 0% cơ hội cứu sống con và tận mắt thấy y tá để trống mục dự sinh trong cuốn sổ khám bệnh, chị Dung bám vào lan can cầu thang và khóc nấc lúc gọi điện thoại cho chồng. Về nhà với tâm trạng suy sụp, chị từ chối tất cả những cuộc điện thoại động viên từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng khi cảm nhận được nhịp đập của thai nhi trong bụng, một ý nghĩ len lỏi trong đầu: “Mình đã gục ngã trong khi các con vẫn đang lớn lên từng ngày, không thể đầu hàng dễ như thế”. Nghĩ vậy, chị gạt hết những cảnh báo của bác sĩ, chị liên hệ với những người quen, tìm hiểu về các bệnh viện điều trị truyền máu song thai trên thế giới và đã thấy rất nhiều cơ hội.

“Một người quen giới thiệu cho mình một bác sĩ bên Malaysia từng điều trị thành công rất nhiều trường hợp truyền máu song thai. Mình lấy địa chỉ email, gửi những kết quả siêu âm cho bác sĩ và đợi họ trả lời”, chị Dung chia sẻ.

Sau khi nhận được thư trả lời từ bác sĩ bên Malaysia, vợ chồng chị Dung lập tức đặt vé máy bay và phòng khách sạn để có mặt tại bệnh viện càng sớm càng tốt. Tại đây, chị Dung được chỉ định nhập viện, làm các xét nghiệm và tiến hành phẫu thuật bằng tia laser để đốt những mạch máu truyền từ song thai. Chị Dung kể: “Họ nói hy vọng 70% cứu 1 bé, 50% cứu 2 bé, bác sĩ còn cảnh báo một số nguy cơ có thể dọa sinh non, rồi cho mình uống thuốc chống co bóp tử cung để sáng hôm sau phẫu thuật. Họ gây tê rồi chọc cây kim vào buồng nước ối nhiều, tìm mạch máu chỗ 2 bé và đốt laser, mình cảm nhận được sự nóng ran mỗi khi mạch máu bị đốt. Cuộc phẫu thuật diễn rất nhanh, về phòng hậu phẫu, mình cảm thấy 2 bé di chuyển, ngày hôm sau đi siêu âm thì thấy nước ối đã cân bằng. Sau 4 ngày nằm và điều trị, bác sĩ cho xuất viện, vợ chồng mình trở về Việt Nam và tiếp tục đi khám thai như những bà mẹ bình thường. Tới 33 tuần thì mình có dấu hiệu sinh, mỗi bé nặng 2kg, đều khỏe mạnh. Đó là khoảnh khắc kỳ diệu của cuộc đời mình!”.

Mở cho chúng tôi xem những tin nhắn được lưu trong điện thoại và khoe những tấm hình đáng yêu của các cặp song sinh do các bà mẹ gửi về, đôi mắt chị Dung rớm lệ: “Từ sau khi mình sinh con và được đăng báo, hàng chục cặp vợ chồng từ Thanh Hóa, Hoà Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Cà Mau… bị hội chứng truyền máu song thai đã gửi tin nhắn nhờ mình tư vấn, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng còn tìm đến tận nhà mình để hỏi và nhờ giới thiệu bác sĩ. Nhiều trường hợp thất bại do quá trễ hoặc không có tiền chạy chữa, họ nhắn tin đã mất con, lòng mình thắt lại. Tuy nhiên, cũng có hơn một nửa trong số những cặp nhờ mình tư vấn đã “mẹ tròn con vuông”, chụp hình các con và gửi cho mình xem. Mình lại khóc như lần đầu tiên nhìn thấy Bình, An đến với cuộc đời này”.


Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (ĐH Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám phụ sản Hoàng Gia, TPHCM)

Truyền máu song thai là trường hợp hiếm gặp, xảy ra khi song thai có sự phân chia trễ, dẫn đến có một túi ối, một bánh nhau. Nếu trễ nữa sẽ dẫn đến song thai dính nhau. Ở Việt Nam, tỉ lệ mẹ bầu có song thai một trứng rất ít, những ca song thai cùng trứng mắc hiện tượng truyền máu song thai lại càng ít hơn với tỉ lệ chỉ khoảng 1/10.000 ca song thai.

Song thai cùng trứng với một túi ối, một bánh nhau dễ diễn ra hiện tượng truyền máu thai nhi, chiếm đến 95%. Sự thông nối mạch máu của hai thai nhi với nhau khiến máu từ một thai nhi được truyền vào thai nhi còn lại với một tốc độ chậm nhưng liên tục. Thai cho trở nên teo đét và suy dinh dưỡng vì không đủ máu nuôi, trong khi thai nhận ngày càng phì đại. Cả hai thai nhi đều có khả năng tử vong trong bụng mẹ rất lớn. Chính vì hội chứng hình thành trong phôi thai ngay từ lúc còn rất nhỏ nên không có cách nào để phòng tránh.

Hiện tại, các bệnh viện ở Việt Nam chưa điều trị được truyền máu song thai nhưng cũng có phương án giúp cứu sống thai nhi bằng cách phát hiện sớm và hỗ trợ giữ thai đến cùng, bằng cách nâng cao sức khỏe của mẹ và bé hoặc cách phổ biến hơn là tiến hành mổ lấy thai ngay lập tức. Việc phát hiện truyền máu song thai và tiến hành mổ lấy thai rồi nuôi dưỡng ở bên ngoài có thể giúp cứu sống thai nhi, đặc biệt, khả năng sống sẽ cao hơn nếu thai được lấy ra khi đã đạt từ 28 đến 30 tuần.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm