Sau khi nghe tiếng nổ, bảo vệ tòa nhà thông báo cho nhân viên tòa nhà sơ tán. Tại hiện trường, bình chữa cháy mini nổ khiến phần nắp bay tung tóe trong xe, riêng phần thân bình vẫn có nước bên trong.
Trước đó, bình được để ở ghế phụ gần ghế tài xế. Khi vụ nổ xảy ra, trong xe không có người nên không có ai bị thương. Xe cũng không bị hư hại gì.
Mới đây cũng có hàng loạt vụ bình cứu hỏa mini phát nổ trên xe ô tô. Vụ gần đây nhất vào đêm 17/1, khi đang di chuyển từ Nguyễn Chí Thanh sang Lê Văn Lương, anh Nguyễn Hoàng Hải, ở quận Ba Đình (Hà Nội) bất ngờ thấy tiếng nổ nhỏ khiến xe BMW bị rung. Dừng lại mở cốp xe, anh Hải phát hiện chiếc bình cứu hỏa mini bị nổ và bọt trắng bắn tung tóe. Rất may, vụ nổ không gây hư hại các bộ phận trong xe.
Trước đó một ngày, chiều 16/1 ôtô 4 chỗ của anh Ngô Hiếu Thuận (xã Song Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang) đang đậu trong sân nhà thì bình chữa cháy mini để trong xe phát nổ, gây hư hỏng cửa xe, thùng loa.
Phần nắp bình chứa cháy nổ tung tóe
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cho biết đã cử cán bộ xác minh sự việc. Bình cứu hỏa không thể tự cháy, nhưng có thể nổ. "Có thể xảy ra nổ nếu bình kém chất lượng, được bảo quản không tốt, van an toàn không chịu được sẽ bị xì, không khí thoát ra ngoài và gây nổ", đại tá Thắng phân tích.
Trước đó, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thử cho nổ các loại bình cứu hỏa. Có bình dạng lỏng, hóa chất khi vượt quá giới hạn cho phép về nhiệt độ sẽ phát nổ. Riêng bình dạng bột thì không bị nổ, chịu được nhiệt độ trên 1.000 độ C.
Cục khuyến cáo người dân nếu trang bị bình cứu hỏa nên chọn loại đảm bảo chất lượng, được kiểm định của cơ quan có chức năng về phòng cháy chữa cháy và bán tại cửa hàng uy tín. Ngoài ra, nếu nghi ngờ về chất lượng cũng như kiểm định của bình cứu hỏa nên đến cửa hàng khiếu nại để nhận được giải đáp cụ thể.
Thông tư 57 của Bộ Công an quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC. Với ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg. Trong Thông tư quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe và khuyến cáo không nên để trong cốp xe tránh nhiệt độ cao. Căn cứ vào Nghị định 167/2013, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 300.000-500.000 đồng nếu phương tiện phòng cháy chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Công an, trong thời gian tới, cảnh sát giao thông không được dừng phương tiện để kiểm tra và phạt lỗi thiếu bình cứu hỏa. |