Bình đẳng giới được ghi nhận thế nào qua 2 bản hiến pháp đầu tiên của nước ta?

P.V
02/06/2020 - 13:40
Bình đẳng giới được ghi nhận thế nào qua 2 bản hiến pháp đầu tiên của nước ta?
Ngay từ khi giành được độc lập, trong bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã ghi nhận quyền bình đẳng nam, nữ. Đến bản hiến pháp thứ hai năm 1959, bình đẳng giới được cụ thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trải qua hàng trăm năm đấu tranh bền bỉ, ngày nay quyền của phụ nữ đã trở thành vấn đề được quốc tế thừa nhận và trân trọng. 

Ở nước ta, quyền của phụ nữ thực sự được đề cập đến một cách thực chất sau khi lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc, chủ quyền cho nhân dân. 

Việc đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến đó là tiến hành tổng tuyển cử bầu đại biểu quốc hội và tiến hành xây dựng Hiến pháp. Quyền của phụ nữ đã được đề cập ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946. Điều 9 Hiến pháp năm 1946 đã quy định: "Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện".

Quyền, nghĩa vụ của người phụ nữ trong Hiến pháp Việt Nam - Ảnh 1.

Hiến pháp 1959 xác định phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình

Tuy nhiên, đến Hiến pháp năm 1959, quyền và nghĩa vụ của người phụ nữ mới thực sự được xác định rõ ràng. Điều 24, chương 3 trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 ghi rõ:

Phụ nữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương.

Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ.

Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.

Như vậy, so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới. Quyền bình đẳng nam nữ được thể hiện trên 5 lĩnh vực từ xã hội đến gia đình. Đó là sự ghi nhận và trân trọng, được đảm bảo của toàn xã hội đối với phụ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm