Đảm bảo quyền phụ nữ, trẻ em khi thu giữ tài sản thế chấp

07/06/2017 - 17:45
Sáng 7/6, chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu nêu ra việc cần thiết đảm bảo quyền công dân, quyền của phụ nữ, trẻ em trong việc thu giữ tài sản đảm bảo, được quy đinh trong Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
 Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đoàn Tiền Giang

Thảo luận về Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đoàn Tiền Giang, cho rằng: Về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, tại Điều 5 dự thảo nghị quyết quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tổ chức mua bán nợ, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá thị trường theo quy định của pháp luật, “kể cả bán giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”. Theo đại biểu Mai, quy định này chưa phù hợp và có thể gây thiệt hại cho người trả nợ khi thực hiện vay nợ có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, tại điều 7 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, theo đại biểu Mai, “quy định còn sơ sài, chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi”. Đại biểu này đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định những việc mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được làm và những việc không được làm, quy trình, thủ tục khi thực hiện quyền thu giữ tài sản.

Đặc biệt, cần cân nhắc các quy định này sao cho bảo đảm hài hòa giữa việc thực hiện nghị quyết không trái với Hiến pháp; hài hòa với quy định của các luật khác có liên quan, nhất là trong việc bảo đảm các quyền của công dân, như quyền về nhà ở và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế trong xã hội, như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già.

 Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An

Còn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An, cho rằng quyền thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7) chỉ phù hợp và khả thi khi người thế chấp tài sản đồng ý cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trong trường hợp họ không đồng ý dù trước đó họ có thỏa thuận, việc các tổ chức tín dụng đơn phương tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm sẽ phát sinh nhiều vấn đề; cụ thể như: không hợp hiến, vì quy định trong Hiến pháp “công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”; hoặc “vênh” với Bộ luật dân sự năm 2015 về “quyền sở hữu về nhà ở, tư liệu sinh hoạt”…

Như vậy, khi tài sản bảo đảm bị các tổ chức tín dụng đơn phương thu giữ trong trường hợp người bảo đảm không đồng ý thì các tổ chức tín dụng đã xâm phạm vào quyền về chỗ ở, quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được Hiến định. Vì giao dịch ở đây giữa người và tổ chức thế chấp với các tổ chức tín dụng là giao dịch dân sự, hợp đồng tín dụng nên phải được giải quyết theo pháp luật về dân sự và kinh doanh.

Về nội dung này, đại biểu Trương Anh Tuấn, đoàn Nam Định, tỏ ra băn khoăn, theo khoản 1, Điều 7, dự thảo nghị quyết, “phải chăng quy định về thu giữ tài sản đảm bảo trong nghị quyết này sẽ thay thế một số quy định trong các luật có liên quan như Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự?” Đại biểu Tuấn đề nghị cần xem xét thận trọng, có giải thích thấu tình đạt lý khi quy định nội dung này trong nghị quyết. Qua đó, đảm bảo sự thống nhất trong quan điểm, trong nhận thức, sự thống nhất trong quá trình triển khai thực  hiện nghị quyết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm