pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình đẳng giới giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên lâu hơn
Bà Trần Ngọc Thảo chia sẻ tại sự kiện
Đây là chia sẻ của bà Trần Ngọc Thảo - Giám đốc Điều hành TMS Việt Nam, Founder HR Talks - tại sự kiện giới thiệu chương trình GEARS@VIETNAM diễn ra ngày 16/1 ở TPHCM.
Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa sự tham gia của nữ giới và nam giới.
Chẳng hạn, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 62,7%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với tỷ lệ nam giới là 75,5%, theo Tổng cục Thống kê năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ nữ sở hữu doanh nghiệp vẫn còn khá thấp, khoảng 20%, và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Trần Ngọc Thảo, việc doanh nghiệp thực hiện ESG (môi trường, xã hội và quản trị) sẽ mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả. Các chính sách rõ ràng, việc nam và nữ có cơ hội thăng tiến giống nhau sẽ giúp doanh nghiệp giữ được chân nhân viên lâu hơn.
Hiện nay, một số công ty đa quốc gia đặt ra tỷ lệ giới trong tuyển dụng giữa nam và nữ là 40-60 hoặc 70-30, thậm chí 50-50; tùy vào vị trí việc làm và khu vực. Những tiêu chí này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà còn cải thiện hiệu suất và sự hài lòng của nhân viên.
"Việc nhân viên được tuyển về hoặc rời đi không phải vì lương. Hiện tại thì lương không phải là yếu tố đầu tiên để nhân viên cân nhắc gắn bó với doanh nghiệp mà họ sẽ cân nhắc những yếu tố như là văn hóa làm việc, đồng nghiệp như thế nào, chính sách làm việc", bà Thảo chia sẻ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cho biết, chương trình GEARS@VIETNAM được thực hiện nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp những thông tin và giải pháp khả thi để chuẩn bị cho một xu hướng đang nổi lên trong tiêu chuẩn ESG, là yếu tố bình đẳng giới tại nơi làm việc.
"Việc chuẩn bị sớm những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh khỏi tình trạng bất lợi do tụt hậu, từ đó có lợi thế trong việc duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, quan trọng hơn hết, việc thực hiện chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc một cách toàn diện chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lực đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh mới", bà Hạnh nhấn mạnh.
GEARS@VIETNAM, hay GEARS@VN, là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình GEARS@VIETNAM được hỗ trợ bởi Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ), một sáng kiến của chính phủ Australia nhằm thúc đẩy bình đẳng kinh tế của phụ nữ ở các nước Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam. Tại Việt Nam, chương trình do nhóm đối tác chiến lược ECUE – BSA phối hợp triển khai.
Chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng bộ công cụ GEARS (Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng Giới). Đây là một công cụ đánh giá tiên tiến được thiết kế riêng cho thị trường ASEAN dựa trên công cụ chẩn đoán toàn diện do Cơ quan Bình đẳng giới tại nơi làm việc Australia (Australia's Workplace Gender Equality Agency – WGEA) và các đối tác ở Đông Nam Á phát triển, với sự hỗ trợ của Investing in Women.
GEARS giúp doanh nghiệp đo lường và hoạch định chiến lược quản trị và phát triển nguồn nhân lực của mình, với các kết quả có thể được đưa vào báo cáo phát triển bền vững. GEARS gồm 13 khía cạnh liên tầng có liên quan đến giới trong môi trường sản xuất và kinh doanh: từ tuyển dụng, chính sách, lương thưởng, thăng tiến, chống quấy rối và phân biệt đối xử… cho đến đảm bảo bình đẳng giới trong chuỗi cung ứng.