Birdman (Người chim) kể về một nam diễn viên Hollywood từng nổi tiếng với nhân vật Người chim trong phim siêu anh hùng, vật lộn trong cuộc chiến “làm lại sự nghiệp” khi mà thời kỳ hoàng kim của mình đã qua đi. Các chuyên gia về giải Oscar cho rằng Birdman được trao giải “Phim hay nhất” bởi:
Thứ nhất, nó là một bộ phim kể về chính những người làm điện ảnh; những thành viên của Viện Hàn lâm Điện ảnh bỏ phiếu quyết định các giải Oscar hầu như đều hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh, vậy nên đương nhiên họ quan tâm đến bộ phim này.
Thứ hai, những người cầm cân nảy mực của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ thích các bộ phim thể hiện nhiều tham vọng, nhưng không quá “dị” và Birdman đáp ứng được điều này; nó cho thấy tham vọng của những người làm phim trong cả kịch bản lẫn kỹ thuật dàn dựng nhưng hầu như không có những chi tiết gây tranh cãi và khó hiểu.
Thứ ba, người đóng vai chính trong phim là Michael Keaton, một trong những nam diễn viên có sức hấp dẫn nhất ở Hollywood.
Với Birdman, Michael Keaton không chỉ là sự hóa thân của nhân vật trong phim mà là hình ảnh đại diện của “những đứa con cưng” mà Hollywood muốn công chúng thấy. Cá tính, sự hấp dẫn, danh tiếng, tài năng, sự cống hiến của anh cho điện ảnh trong đời thực hòa quyện với tính cách, sự hài hước, sâu sắc của nhân vật mà anh thủ vai đã gây ấn tượng và cảm tình đặc biệt với những người bỏ phiếu chọn ra bộ phim hay nhất của giải Oscar 2015.
Birdman cũng được trao giải Oscar dành cho “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”. Vinh quang này thuộc về 4 nhà biên kịch Alejandro González Inárritu, Nicolas Giacobone, Alexander Dinelaris, và Armando Bo. Bốn nhà biên kịch này đã phải mất 2 năm phối hợp để cho ra đời kịch bản cuối cùng. Đó là một kịch bản được đánh giá là mới mẻ, độc đáo, chứa đầy tiềm năng dành cho việc sáng tạo trong diễn xuất và sử dụng kỹ thuật điện ảnh. Quả thực, kịch bản phim Birdman đã tạo nền tảng cho đạo diễn Inárritu và các cộng sự của ông thực hiện một bước đột phá trong cách dàn dựng phim.
Birdman là tác phẩm điện ảnh đầu tiên khiến khán giả có cảm giác một bộ phim truyện dài được quay chỉ với một cảnh duy nhất. Theo tiết lộ của đoàn làm phim, thực ra cảnh quay dài nhất của phim Birdman chỉ kéo dài 15 phút, nhưng khâu cắt ghép và dựng hình ảnh hậu kỳ sử dụng kỹ thuật và công nghệ cao đã khiến cho cả bộ phim dài 119 phút dường như được “gói” trong một cảnh quay bất tận, thu hút sự theo dõi của người xem từ đầu đến cuối.
Về kỹ thuật, cách làm mới mẻ này được ví như một dấu mốc sánh ngang với sự ra đời của bộ phim 3D bom tấn Avatar. Khi mới lên ý tưởng quay phim Birdman “chỉ với một cú bấm máy”, Inárritu đã vấp phải không ít sự can ngăn, và ngay tại sân khấu của Lễ trao giải Oscar 2015 chính ông đã phát biểu một cách hài hước rằng ông “không hình dung nổi mọi việc được thực hiện ra sao”. Kết quả là sự dám nghĩ dám làm của ông và đặc biệt nhờ tài năng của nhà quay phim lừng danh Emmanuel Lubezki, phim Birdman đã được trao giải Oscar dành cho “Quay phim xuất sắc nhất”.
Phim Birdman cũng đã mang về phần thưởng xứng đáng cho đạo diễn Inárritu. Đó là giải Oscar dành cho “Đạo diễn xuất sắc nhất”. Với khoản kinh phí thấp, chỉ chưa tới 17 triệu USD, đạo diễn Inárritu cùng các cộng sự đã cho ra mắt khán giả một bộ phim với gần như đầy đủ các yếu tố mà một tác phẩm điện ảnh lớn cần phải có.
Là một người gốc Mexico, Inárritu lên nhận giải Oscar với tâm trạng khá xúc động. Ông nói: “Tôi muốn dành tặng giải Oscar này cho những người Mexico và những người di cư đến nước Mỹ. Tôi cầu mong họ sẽ nhận được sự tôn trọng và ghi nhận như những thế hệ người di cư trước kia đã đến thành lập nên quốc gia của những người nhập cư này”.
Vinh quang dành cho ông cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Mexico ở Mỹ và đó cũng là sự khích lệ đối với những người làm điện ảnh từ các nước khác đến phát triển sự nghiệp ở kinh đô của điện ảnh thế giới.