Sau 2 năm thực hiện bỏ cho điểm ở tiểu học, nhiều giáo viên than quá tải, còn phụ huynh không hài lòng với lời nhận xét chung chung - Ảnh: An Huy |
Chị Nguyễn Thị Lan (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) có con út đang học lớp 2 vừa nhận được giấy mời họp phụ huynh cuối năm. “Nhớ hồi con gái đầu học tiểu học, mỗi lần nhận giấy mời họp là tôi… sợ. Tôi sợ bị các cha mẹ khác hỏi con được mấy điểm 10, có đạt học sinh giỏi không trong khi con tôi chỉ đạt 7, 8 điểm”. Hai năm nay, từ khi có Thông tư mới của Bộ, cũng là khi con trai vào lớp 1, chị không còn bị áp lực nữa. Không học thêm, không cần làm thêm bài tập, buổi tối ở nhà, con chị Lan được chơi với bạn, học các môn năng khiếu… Theo chị Lan, phụ huynh được giải phóng về tư tưởng, học sinh không phải chạy theo điểm số, giáo viên không lo áp lực thành tích chính là điểm được nhất mà Thông tư 30 mang lại.
Tuy nhiên bên cạnh những phụ huynh hài lòng như chị Lan, có nhiều người thấy cách thức đánh giá học sinh này đầy những vấn đề. Chị Lê Thu Trang (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con học lớp 3 cho biết: “Hằng ngày, cô vẫn nhận xét con bằng những lời ngắn gọn như cô khen, con cần cố gắng”, nhưng cụ thể là cô khen cái gì, kỹ năng nào, con phải cố gắng điểm gì thì… cô không nói rõ. Lời nhận xét chung chung và không có nhiều giá trị. Khi tôi hỏi thì cô giáo nói, cô không thể có sức để ghi chi tiết từng điểm mạnh, yếu của 60 học sinh”.
Nhiều trường tiểu học ngoài công lập duy trì được sĩ số lớp thấp, chỉ khoảng 30 học sinh mỗi lớp. Tuy nhiên, theo giáo viên ở những trường này, việc nhận xét đánh giá học sinh vẫn đòi hỏi cô phải đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết. Hơn nữa tỷ lệ trường duy trì được sĩ số này khá nhỏ. Phần lớn các trường có sĩ số 50-60 học sinh mỗi lớp.
Nếu một giáo viên dạy 10 lớp/tuần, mỗi lớp 50 học sinh thì trung bình một tuần, giáo viên phải nhận xét tỉ mỉ 500 học sinh ở ba tiêu chí: Kiến thức kỹ năng, năng lực, phẩm chất. Điều này khiến giáo viên không thể nhận xét kỹ càng được.
Theo bà Nguyễn Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Đình Của (TPHCM), việc bỏ cho điểm học sinh tiểu học và thay bằng nhận xét còn khiến Ban giám hiệu mất nhiều thời gian hơn. Trước kia, với đánh giá bằng điểm số, Ban giám hiệu chỉ cần nhìn vào 12 bảng điểm của 12 lớp trong một khối là có thể biết chất lượng giảng dạy của từng lớp. Giờ Ban giám hiệu phải đọc hàng trăm bảng nhận xét của học sinh trong một khối. Với trường công lập có quy mô hàng ngàn học sinh, việc đánh giá này càng vất vả hơn nhiều.
* GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Ở nước ngoài, cũng có nước áp dụng nhận xét thay chấm điểm học sinh tiểu học. Nhưng, điều kiện dạy học ở nước ngoài khác xa so với Việt Nam. Chẳng hạn ở Anh, hai giáo viên phụ trách một lớp có 25 học sinh nên giáo viên có thể theo dõi, quan sát, nhận xét, hỗ trợ kịp thời từng học sinh. Nhưng ở ta sĩ số 50-60 học sinh/lớp mà chỉ có một cô giáo nên việc theo dõi, quan tâm tới quá trình học tập của từng học sinh là cả vấn đề. |