Bộ GD&ĐT nói gì về đề xuất bỏ kỳ thi '2 trong 1' của đại biểu Quốc hội?

31/05/2019 - 20:06
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ kỹ hơn về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/5, liên quan đến đề xuất bỏ kỳ thi này từ nghị trường Quốc hội hôm nay.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 30 - 31/5, nhiều đại biểu đặt vấn đề về bất cập kỳ thi THPT Quốc gia. Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét đánh giá tác động của việc gộp 2 kỳ thi làm 1. ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đề nghị giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để họ có quyền tổ chức thi xét tuyển cũng như chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu vào và đầu ra của trường mình.

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, việc tích hợp 2 kỳ thi trong 1 mà với 2 mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ xảy ra nhiều hệ lụy khó lường. Theo bà Dung, hướng tới tự chủ đại học, nên để các trường ĐH chủ động trong tuyển sinh. Vì vậy, đại biểu này đề nghị nên tách 2 kỳ thi. “Đối với xét tốt nghiệp, nên chăng các địa phương chỉ xét mà có thể không cần phải thi, còn các kỳ thi Đại học thì để các trường đại học tổ chức thi” - đại biểu Dung cho biết.

 

dung.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị xem lại hiệu quả kỳ thi "2 trong 1". Ảnh: VPQH 

Trước các ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội, tại cuộc họp Chính phủ chiều này, 31/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có thêm chia sẻ về kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, ông Độ nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả của kỳ thi kể từ khi diễn ra lần đầu tiên vào năm 2015.

Ông Độ cho biết, từ năm 2015 đến nay, Bộ thực hiện phương thức mà Bộ đã trình Chính phủ và đã được Chính phủ phê duyệt. Thứ nhất, về việc đổi mới: Nhìn lại việc thi những năm 2015, ngoài việc thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải thi 3 kỳ thi: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp.

 

61542435_378239579458660_2307383158716235776_n.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu. Ảnh: D.H

  

Thi đại học ở các khối các nhau nên việc tổ chức thi cũng gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, vào ngày thi các cháu phải dồn về các tỉnh, thành phố lớn như: hà Nội và TPHCM, gây bức xúc trong nhân dân

Chính vì vậy, mục đích của việc đổi mới thi là tạo điều kiện để giúp cho việc khắc phục những khó khăn nên trên, vẫn bảo đảm công bằng mà giảm áp lực đến thí sinh.

“Bộ cũng cân nhắc đến việc đại biểu hỏi về việc bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, theo tôi điều này không được vì trái với Luật giáo dục. Trong luật ghi rõ là học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT được quyền dự thi và nếu đủ điều kiện thì được đỗ tốt nghiệp và được giám đốc sở công nhận, cấp bằng tốt nghiệp THPT. Cho nên, việc đầu tiên là thi để công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Hơn nữa, cả quá trình học mà không có kỳ thi thì các em sẽ giảm động lực học tập. Cho nên Bộ thấy cần phải tổ chức kỳ thi theo đúng luật” - ông Độ nêu quan điểm.

 

thi-thpt-quoc-gia.jpg
Ảnh minh họa

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã đưa ra Kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là kỳ thi “2 trong 1”, vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp và cũng là cơ sở để cho các trường đại học có thể dựa vào đó để tuyển sinh.

“Tuy nhiên theo Luật giáo dục đại học, các trường đại học được quyền tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về việc này. Cho nên, việc Bộ tổ chức thi đại học như trước là không phù hợp, chỉ có thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia” - ông Độ thông tin.

Ông Độ cũng nhấn mạnh, đề án thi THPT Quốc gia đã được phê duyệt, cho phép thực hiện đến năm 2020. “Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã làm và cũng qua quá trình triển khai sẽ tiếp thu ý kiến của nhân dân để sau 2020 có những điều chỉnh phù hợp thực tế hơn” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm