Bò Kobe tại Việt Nam không phải 'hàng xịn'

10/01/2016 - 07:00
Hiện nhiều thị trường trên thế giới đang sử dụng nhãn hiệu bò Kobe để đánh lừa người tiêu dùng trong khi thực tế, loại bò này chỉ được xuất khẩu chưa đến 10% ra ngoài Nhật Bản.
Macao là nơi duy nhất trên thế giới được nhập khẩu đặc sản này của Nhật. Vì thế, thịt bò mang tên Kobe được bày bán ở Mỹ hay các quốc gia khác như Việt Nam là hàng giả.

Chính quyền Tokyo đã đề nghị nhiều nước, trong đó có Mỹ, xem xét thắt chặt quy định quản lý thương hiệu bò Kobe. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng Nhật Bản cần có quy định này trước khi chính quyền Washington có thể ban hành theo đó.
kobebeefjapan.jpg

Chỉ có thịt bò Kobe ở Nhật, hoặc Macao, là hàng thật. Ảnh: Forbes

Đây là một trong những lý do chính khiến Nhật Bản xem xét thông qua luật bảo hộ thương hiệu bò Kobe thời gian gần đây. Theo đó, một loạt các thương hiệu đặc sản chỉ được mang tên khi sản xuất tại địa phương sẽ được nghị viện chính thức xem xét vào tháng 6/2016 tới đây, trong đó có bò Kobe.

Để được công nhận là một miếng thịt bò Kobe, quy trình chăn nuôi, sản xuất giống bò này rất khắt khe và cầu kỳ. Có khoảng 7 tiêu chuẩn cơ bản nếu một miếng thịt bò được công nhận là thịt bò Kobe tại Nhật Bản.


Clip quá trình chăn nuôi bò Kobe tại Nhật Bản. Nguồn: Youtube

Tờ Forbes nhận định, những loại thịt bò được quảng cáo là Kobe trên thị trường ngoài Nhật Bản hiện nay đều là giả mạo. Các công ty này đã nhập bò Nhật Bản (có thể là bò Wagyu), hoặc bò được chăn nuôi theo phương pháp của người Nhật và tự nhận đó là bò Kobe. Những loại thịt bò này chỉ nên được gọi là thịt bò Nhật Bản, hay Wagyu...

Tại Việt Nam, sau 4 năm nghiên cứu và đầu tư, năm 2015, lứa bò 'Kobe made in Vietnam' đầu tiên đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với mức giá rất cao. Mỗi con bò Kobe sau khi rời lò mổ được đông lạnh và phân thành 4 nhóm thịt. Loại 1 giá 3 triệu đồng/kg được xem là phần thịt ngon nhất. Nhưng thịt loại 1 chỉ có khoảng 50 kg. Còn lại là thịt loại 2 có giá 2,3 triệu đồng/kg, loại 3 là 1,8 triệu đồng/kg và loại 4 là 1 triệu đồng/kg.

"Hiện nay Công ty Cổ phần Bò Kobe Việt Nam chỉ xuất bán mỗi tuần một con bò, cân nặng trung bình từ 250-300 kg bò thương phẩm. Vì sản lượng quá ít, cung không đủ cầu, nên chưa có điều kiện khảo sát toàn diện phản ứng của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đức Trí Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Bò Kobe Việt Nam, chia sẻ với báo giới.
obsev-food-kobe-beef-rip-off-cover.jpg

Chính quyền Tokyo đã đề nghị nhiều nước, trong đó có Mỹ, xem xét thắt chặt quy định quản lý thương hiệu bò Kobe 

Người Nhật không xuất khẩu con bò Kobe ra nước ngoài vì muốn bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Công ty Bò Kobe Việt Nam phải nhập khẩu tinh bò Kobe tại Mỹ và lai tạo với bò sữa nhập từ Hà Lan để tạo ra giống bò Kobe F1. Sau đó, tinh bò Kobe lai tạo với những con bò cái F1 đã được tuyển chọn tạo ra bò Kobe F2; lặp lại quy trình này với bò cái F2 sẽ tạo ra bò Kobe F3 thuần chủng. Tuy nhiên, sức đề kháng của bê con Kobe yếu hơn nhiều so với bê trong nước. Do đó, trong giai đoạn đầu, tỉ lệ chết trên đàn bò con lên đến 20%. Sau nhiều lần nghiên cứu, Công ty mới có được giống bò như ý.

Sự nổi tiếng và độ thơm ngon của thịt bò Kobe khiến mặt hàng này trở thành món ăn ưa chuộng của nhiều người, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu. Điều này khiến giá bán thịt bò Kobe tăng cao và trở thành mục tiêu cho nhiều nhà hàng nhập nhằng tên gọi thịt bò Kobe để đánh lừa khách hàng và nâng giá.

Trước vấn nạn này, tờ Forbes đã trích ý kiến các chuyên gia kinh tế cho rằng, người tiêu dùng cần tỉnh táo phân biệt rõ xuất xứ của loại thịt bò mình mua, tránh bị 'mất tiền oan'.

Tiêu chuẩn cơ bản nếu một miếng thịt bò được công nhận là thịt bò Kobe tại Nhật Bản

1. Đầu tiên, những con bò phải được sinh ra tại tỉnh Hyogo, vùng Kinki Nhật Bản và được nuôi dưỡng tại đây.

2. Tiếp theo, các con bò phải được đem đi thiến để đảm bảo độ tinh khiết của miếng thịt.

3. Mỗi con bò không được nặng quá 1.034 pounds (khoảng 500 kg).

4. Sau đó, quá trình làm thịt phải được diễn ra tại Kobe, Sanda, Kakogawa, Himeji hay Nishinomiya với những kỹ thuật và quy trình truyền thống.

5. Tỷ lệ thịt mỡ sau quá trình làm thịt, hay còn gọi là chỉ số BMS phải trên mức 6.

6. Chất lượng thịt sau khi chế biến phải đạt 4-5 sao theo tiêu chuẩn.

7. Đặc biệt, tổng trọng lượng thịt chế biến từ một con bò không thể vượt quá 470 kg, nếu nhiều hơn số này thì chất lượng thịt không đạt tiêu chuẩn để mang tên thịt bò Kobe.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm