pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bỏ lỡ giấc mơ nghề giáo để trở thành "bà chủ bí xanh"

Chị Hoàng Thị Hỏi tỉ mỉ kiểm tra từng trái bí non
Nhiều người từng tiếc cho Hoàng Thị Hỏi - cô gái ở bản Hô Ta (thị trấn Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, Lai Châu) - tốt nghiệp Đại học Tây Bắc ngành sư phạm nhưng rồi không theo nghề giáo. Sau nhiều lý do khách quan và chủ quan, chị Hỏi chọn quay về mảnh ruộng sau nhà, bắt đầu lại cuộc sống với nghề nông.
"Hồi đó, tôi thấy tiếc lắm. Học hành bao năm, cuối cùng lại quay về làm ruộng như bố mẹ mình ngày trước. Nhưng nếu không làm nghề mình học thì phải làm tốt việc mình chọn", chị chia sẻ.
Trở thành nông dân, chị Hỏi không bằng lòng với lối canh tác truyền thống. Trồng lúa, ngô, chè, bao nhiêu năm vẫn không đủ tiền để con cái học hành, xây nhà cửa khang trang. "Có năm, mấy sào lúa chỉ đủ ăn được vài tháng. Tôi nghĩ nếu cứ thế thì bao giờ mới khá được?", chị trăn trở.
"Chìa khoá" từ chiếc điện thoại thông minh
Chị Hỏi kể: "Lúc đó, tôi bắt đầu dùng Facebook để vào các nhóm nông nghiệp, rồi xem video trên YouTube. Tôi thấy người ta trồng bí xanh hiệu quả kinh tế cao lắm". Từ chiếc smartphone cũ, chị Hỏi bắt đầu hành trình tìm hiểu kỹ thuật trồng bí, học từ khâu chọn giống, làm giàn, bón phân, xử lý sâu bệnh, đến bảo quản sau thu hoạch.
Năm đầu tiên, sau nhiều đắn đo chị Hỏi thử nghiệm trồng 1 sào bí xanh. Chị nhớ lại: "Ban đầu tôi tính bỏ trồng lúa để chuyển sang trồng bí xanh, nhưng mọi người trong gia đình rất lo lắng. Nếu không thành công thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình, vừa mất nguồn lương thực vì bỏ trồng lúa". Rất mừng khi đầu tư ban đầu phát huy hiệu quả, chị Hỏi đã tiếp tục mạnh dạn chuyển hết 5 sào ruộng sang trồng bí xanh.

Phát triển mô hình trồng bí xanh đã giúp đời sống kinh tế của gia đình chị Hỏi và nhiều gia đình trong bản khấm khá hơn
Từ khi phát triển mô hình trồng bí xanh, đời sống kinh tế của gia đình chị Hỏi cũng khấm khá hơn. Trung bình mỗi sào bí xanh mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị trên 40 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần thu nhập từ lúa, ngô, chè. Đặc biệt, có những thời điểm được giá tốt, nguồn thu nhập có thể cao hơn nữa.
Không giữ riêng thành công cho mình, chị Hỏi tích cực vận động người thân, bà con trong bản mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang canh tác bí xanh. Chị đứng ra tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nhiệt tình, chia sẻ kinh nghiệm học được từ mạng xã hội, từ "người thật việc thật" trên các nền tảng số cho bà con. "Làm nhiều người mới có hàng, có hàng thì mới thành vùng chuyên canh quy mô lớn. Có vùng chuyên canh, thương lái mới về mua đều, thuận lợi cho việc tiêu thụ, tổ chức mở kênh vận chuyển...", chị Hỏi chia sẻ.
Đến nay, bản Hô Ta đã có nhiều gia đình đi theo con đường trồng bí xanh như chị. Những người phụ nữ tưởng chừng chỉ quen bám ruộng giờ cũng học cách lên mạng giống chị Hỏi, liên tục tra cứu cách chăm sóc cây, cập nhật giá thị trường, học hỏi mô hình làm ăn từ các nơi khác để nắm bắt và chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, không phải con đường nào cũng trải hoa hồng. Cái khó hiện nay với những nông dân trồng bí xanh như chị Hỏi là nước, bởi từ ngày các con suối bị chặn dòng để làm thủy điện, nước về bản khan hiếm. Người dân phải đầu tư mua ống dẫn nước từ trên núi, có khi xa hàng cây số. "Đầu tư trồng bí tốn tiền, giờ dẫn nước lại càng tốn thêm. Nhưng không còn cách nào khác nếu muốn duy trì canh tác", chị Hỏi tâm sự.

Chị Hỏi thường xuyên lên mạng tìm kiếm thông tin, học hỏi những kiến thức liên quan đến bí xanh
Công nghệ dẫn lối
Khó khăn là vậy, nhưng chị Hỏi vẫn không ngừng học hỏi. Chị kể: "Ngày nào tôi cũng lên mạng. Xem người ta ở tỉnh khác làm thế nào, mùa này chăm cây ra sao, rồi học cách đóng gói, bảo quản, đăng bài bán hàng. Cái gì cũng phải học mới biết".
Thành quả chị Hỏi có được hôm nay là nhờ hành trình thay đổi tư duy, chủ động tiếp cận tri thức, kết nối công nghệ thông tin vào đời sống nông thôn. Khi người nông dân như chị Hỏi biết tận dụng mạng xã hội như một "trường học mở", mọi ranh giới về địa lý, trình độ đều có thể được thu hẹp.
Giữa vùng núi Tân Uyên, người phụ nữ "lỡ hẹn" với bục giảng đã viết nên bài học thực tế đầy cảm hứng, khi tận dụng công nghệ trở thành công cụ giúp bản thân hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống, làm chủ ruộng đồng và giúp cộng đồng cùng tiến bộ.