pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bố mất gần 1 năm, chiều nào 2 con gái cũng tựa cửa ngóng bố về
Cả nhà hụt hẫng
Vừa chơi ở nhà hàng xóm về, gương mặt 2 cô bé còn lấm lem, buồn phơ phất cùng dáng người gầy gò. Thấy có khách lạ, 2 cô bé Nguyễn Trịnh Thu Hương (2011) và Nguyễn Trịnh Bảo Trâm (2013) nép sát vào bà nội vẻ ngại ngần. "Gần 1 năm nay, từ ngày bố các cháu mất, cả 2 bé Hương và Trâm đều trầm tính, ít cười nói. Chiều nào cứ trời sắp tối là 2 đứa tựa cửa, ngồi thần mặt nhìn ra cánh đồng, ngóng bố về. Tôi và gia đình luôn động viên các cháu, nhưng chúng nó là con gái, đều quấn bố lắm. Không có bố về nhà, các cháu thấy hụt hẫng. Đôi lúc chúng nó vẫn không tin bố đã mất. Tôi phải vỗ về các cháu, để mẹ các cháu chứng kiến cảnh đó, nó lại đau lòng thêm" – bà Vũ Thị Đấy (66 tuổi), bà nội của 2 cô bé nghẹn ngào ôm các cháu chia sẻ.
Vừa nói đến con trai duy nhất (anh Nguyễn Văn Khu) đã mất, bà Vũ Thị Đấy (thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành, Thị xã Kinh Môn, Hải Dương) cũng không giấu được ánh mắt đỏ hoe. Bà thương các cháu, thương con dâu và thương chính bản thân mình: "Thằng Khu nó thương tôi, thương bố mẹ, thương vợ con lắm. Nhiều lần nó bảo sẽ cố gắng đi làm, gom góp vật liệu rồi về tự nâng cao mái tôn nhà lên cho cả gia đình có thể ngủ được ngon giấc khi mùa hè oi bức đến. Thế nhưng, nó chưa kịp làm gì, thì bỏ dở mọi việc lại đây".
Ông Nguyễn Minh Nhất (65 tuổi), là em chồng của bà Đấy thi thoảng lại ghé qua xem nhà anh chị cần giúp đỡ gì, xem anh trai bị tâm thần đã đi lang thang về chưa?. Ông Nhất là người chú ruột duy nhất có mặt tại hiện trường hôm anh Khu bị tai nạn cuối tháng 5/2019.
Ông Nhất kể: Hôm ấy, Khu đang từ công ty đi làm về, thì bất ngờ tránh xe đầu kéo ở gần bến Vạn đi lấn làn. Đúng lúc trời sẩm tối, xe đầu kéo bị khuất tầm nhìn nên va chạm vào anh Khu, làm anh ngã văng xuống đường. Điểm anh Khu bị tai nạn cách nhà hơn 3 cây số, tôi nhận được tin báo đã vội chạy đến, cả người Khu nằm ở phần đường đất tránh dành cho xe thô sơ vẫn còn ấm nóng, nhưng chỉ cái đầu là gối lên đường nhựa, bị bánh xe chèn qua, khiến Khu tử vong tại chỗ.
Tại hiện trường, công an nói với gia đình ông Nhất rằng chiếc xe đầu kéo lấn làn hết mép đường lộ, nhưng anh Khu không đi chậm lại để tránh ô tô thì cũng có một phần lỗi. Gia đình tôi xác định đây là sự việc không ai mong muốn, nên hai bên tự thỏa thuận. "Phía gia đình tài xế xe đầu kéo cũng nghèo khó, bố của anh lái xe cũng bị bệnh hiểm nghèo, mẹ già không làm gì được, họ vay mượn dồn tất cả được 50 triệu đồng lo góp thêm với nhà tôi làm ma cho người bị nạn. Người mất rồi, nên gia đình chúng tôi cũng chấp nhận vậy, dù số tiền ma chay bên ấy lo không đủ cho cháu Khu" – ông Nhất nói.
Khi bị tai nạn, anh Khu vừa đi làm ở công ty được hơn 2 tháng. Trước đó anh đi bộ đội, hết nghĩa vụ về nhà làm ruộng ở gia đình. Nhưng vì kinh tế khó khăn, anh cùng vợ xin đi làm công ty ở khu công nghiệp gần nhà. Vì mới vào công ty làm thời gian ngắn, nên anh Khu không có bảo hiểm hay chế độ gì đãi ngộ. Khi sự việc xảy ra, phía công ty cũng có nhóm cán bộ, công nhân viên đến chia buồn cùng gia đình. Từ đó đến nay họ cũng không trở lại thăm hỏi vợ con anh Khu lần nào.
Gánh nặng đổ dồn lên vai những người ở lại
Sau khi chồng mất đột ngột, vợ anh Khu kiệt quệ tinh thần một thời gian dài mới gượng dậy đi làm tiếp. Đến nay chị Trịnh Thu Trang (1988)- vợ anh Khu vẫn rầu rĩ, hễ ai đến thăm hỏi gia đình, nhắc đến chồng là chị lại khóc nức nở vì nhớ thương chồng.
Anh Khu là con trai duy nhất trong gia đình bà Vũ Thị Đấy, trên anh Khu là 2 chị gái, nhưng đều có hoàn cảnh khó khăn. Chị lớn nhất chồng mất hơn 10 năm nay vì bạo bệnh, chị ôm 3 con nhỏ về nương tựa nhà ngoại trên mảnh đất nghèo khó này. Hiện 4 mẹ con chị ở căn nhà nhỏ cạnh nhà vợ chồng anh Khu để cậy nhờ bố mẹ già. Chị thứ 2 của anh Khu lấy chồng ở xã bên, cũng đông con, nghèo khó và làm nông, không có điều kiện phụ giúp bố mẹ già.
Năm anh Khu lấy vợ, căn nhà hơn 30 m2 được tách làm đôi, một gian để vợ chồng anh Khu ở. Gian còn lại thì vợ chồng bà Đấy và cụ bà Trần Thị Xinh (91 tuổi) ở. Căn nào cũng chỉ kê vừa 1 chiếc giường và cái kệ nhỏ để ngủ. Gần 6 năm nay, cụ Xinh - mẹ chồng bà Đấy chỉ nằm một chỗ, cậy nhờ vợ chồng cháu nội và con dâu chăm sóc.
Bà Vũ Thị Đấy bị bệnh gan hơn 10 năm nay, tháng nào bà cũng phải đi viện, người luôn mệt mỏi, không làm được việc nặng. Tuy nhiên, bà vẫn phải để mắt đến người chồng bị tâm thần phân liệt đã 20 năm nay. "Mỗi lần mùa hè tới, nắng nóng, ông ấy thường hay bị bệnh nặng hơn. Lần gần nhất là hè năm ngoái, ông về nhà lục hết giấy tờ, Huân, Huy chương kháng chiến ra đốt, ông còn đòi đốt luôn cả căn nhà lụp xụp này. May mà mọi người can ngăn kịp" – bà Đấy kể.
Vừa đi tìm chồng lang thang khắp thôn xóm, vừa lo cho mẹ chồng già nằm một chỗ, bà Đấy còn tranh thủ đi thu lượm đồng nát, sắt vụn quanh thôn xóm để bán kiếm tiền lo thuốc men tuổi già. Kinh tế cả gia đình chủ yếu dựa vào vợ chồng anh Khu. Anh Khu cũng là niềm hy vọng, chỗ dựa duy nhất của cả gia đình bà Đấy. Nay anh mất đột ngột, để lại gánh nặng cho người vợ trẻ, cùng 2 con thơ dại, khiến ai cũng se sắt lòng.
Ông Nguyễn Minh Nhất cho biết: "Mẹ tôi- cụ Trần Thị Xinh- là vợ lẽ của bố tôi. Ngày đó, cụ sinh 5 anh em tôi đều là con trai nhưng không được họ hàng nhà nội giúp đỡ, mẹ tôi ra mảnh đất cuối làng dựng lều bạt ở tạm, nuôi con qua ngày. 5 anh em tôi lớn lên đều đi bộ đội hết. Mẹ tôi không sợ con hy sinh vì chiến tranh, mà cụ coi như môi trường quân đội sẽ rèn rũa cho cả 5 anh em tôi sống bản lĩnh hơn với đời. Sau khi tại ngũ, chúng tôi lần lượt trở về bên mẹ, tự đóng gạch dựng tạm mỗi người căn nhà nhỏ 25 đến 30m2 trên mảnh đất của mẹ để xây dựng gia đình. Mấy năm vừa rồi, con cái tôi lo được cái nhà ở trong làng nên đón tôi về ở cùng, tôi nhường lại nhà cũ cho vợ chồng bà Đấy chăm mẹ, chăm con cháu".
Căn nhà của cụ Xinh và vợ chồng bà Đấy đã nhiều năm cứ trời mưa là dột, phải tát nước ra ngoài sau mỗi trận mưa lớn. Khi trời nóng thì mái tôn lại quá thấp, cả nhà hầu như mất ngủ vì cái nóng hầm hập dội xuống.
Anh Lương Văn Giáp – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quang Thành, Thị xã Kinh Môn, Hải Dương: "Năm 2020, gia đình anh Khu mới được xã đưa vào danh sách hộ nghèo. Sau khi anh Khu mất, bà con làng xóm và Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã Quang Thành cũng kêu gọi quyên góp, cố gắng thay anh Khu thực hiện nốt ước mơ dựng lên căn nhà có mái che chắc chắn để cụ Xinh, ông bà Đấy và vợ con anh yên tâm ở qua mùa mưa nắng. Nếu đợi đủ tiền thì chẳng biết khi nào mới làm được nhà cho anh Khu, chúng tôi cứ kêu gọi, đến nay cũng có nhà ủng hộ 5 bao xi măng, có nhà 10 bao xi măng, có người cho 100 viên gạch, có nhà cho nhiều hơn, có người giúp bằng tiền. Nay công trình căn nhà mới khởi công, nhưng vẫn chưa biết lúc nào hoàn thành. Chỉ mong tấm lòng hảo tâm gần xa giúp đỡ thêm cho gia đình anh Khu, cùng chúng tôi thực hiện nốt ước mơ dang dở của anh ấy, để anh an lòng nơi chín suối."
"Gia đình chúng tôi nghèo khó từ đời cha mẹ, anh em tôi đều kinh qua chiến trận, nên đã quen vất vả sớm hôm. Giờ không may cháu Khu ra đi đột ngột, để lại cụ bà nằm liệt, cha mẹ già bệnh tật, vợ con thơ dại, đều những người yếu thế cả. Tôi chỉ cầu mong vợ con cháu Khu vượt qua được thời gian khốn khó này, gia đình tôi cũng không dám nghĩ đến việc ngồi đây chờ đợi ai giúp đỡ bao giờ, chỉ cầu mong thôi"– ông Nhất ngồi bên chị dâu nói thay tấm lòng anh chị, nhưng ông trau mày xót xa nhìn 2 cháu gái vẫn ngơ ngẩn ngóng bố về trong chiều muộn như ngày nào.
Mọi sự giúp đỡ cho gia đình bà Vũ Thị Đấy, xin được gửi về chị Nguyễn Thị Hiền (con gái bà Đấy): Ngân hàng Agribank Phúc Thành, Kinh Môn, Hải Dương. Số tài khoản: 230720511682. Điện thoại chị Hiền: 0782.293912.