Bố mẹ bắt con gánh nợ

18/08/2015 - 11:19
Nếu như trước đây, các bạn trẻ thường phàn nàn rằng bố mẹ bao bọc con quá đáng thì trong thời hiện đại, nhiều bạn lại đang phải tự bơi và đôi khi còn gánh nợ giúp bố mẹ.
Nhịn đói để gửi tiền về nước

17 tuổi, Hoàng Phương Thảo (Đà Nẵng) bắt đầu sang Pháp du học. Cuộc sống của du học sinh đầy rẫy những khó khăn, từ chỗ bất đồng ngôn ngữ đến bất đồng văn hóa cũng như chưa quen với ẩm thực Pháp.

Bố mẹ ở nhà kỳ vọng rất nhiều vào cô con gái nhận được học bổng toàn phần, nên thi thoảng lại nhắc khéo: “Con nên tiết kiệm chi tiêu để có của ăn của để. Nếu không dùng tới, có thể gửi về nhà để ba má trả nợ...”.

Đó hoàn toàn không phải lời ép buộc nhưng đã đặt gánh nặng lên vai Thảo. Tiền học bổng chỉ đủ trang trải tiền nhà và sinh hoạt phí, nên ngoài giờ học, Thảo phải tìm việc làm thêm trong một nhà hàng châu Á, rửa bát, dọn dẹp để kiếm tiền gửi về Việt Nam.

Bố mẹ Thảo ở Việt Nam gặp ai cũng khoe về đứa con giỏi giang và biết giúp đỡ gia đình mà không hề biết rằng ở nơi đất khách quê người, Thảo phải nai lưng ra làm việc. Cô thường xuyên đến trường vẫn lơ mơ buồn ngủ do chưa bao giờ có được một giấc ngủ sâu đúng nghĩa.

Đừng vô tâm khi quẳng cho con một đống nợ phải trả khiến con hoang mang không biết bắt đầu từ đâu và tại sao khoản nợ đó đột nhiên đổ lên đầu mình. Ảnh minh họa: Internet
Gồng mình nuôi em gái
 
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, Bùi Quốc Trung chuyển ra Hà Nội sống và học tập từ lúc vào đại học. Sau khi tốt nghiệp, cậu cố gắng tìm việc để có thể ở lại thủ đô. Trong suốt những năm tháng học đại học, cậu làm thêm ở nhiều nơi để kiếm đủ tiền trang trải học phí cũng như sinh hoạt hàng tháng, chưa bao giờ ngửa tay xin tiền bố mẹ.

Ra trường, có bạn gái, cậu muốn tiết kiệm tiền để lập gia đình. Song mỗi tháng, bố mẹ ở quê đều gọi điện ra nhắc khéo Trung gửi tiền về. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các khoản chi tiêu là hợp lý nhưng hoàn toàn vô lý khi bố mẹ Trung muốn cậu gửi tiền về để nuôi cô em gái của cậu ở nhà - một người không chịu học hành, không biết nghĩ cho bố mẹ và tối ngày chỉ mải mê vui chơi với bạn bè và thay đổi điện thoại, mua sắm quần áo...

Lương mỗi tháng của cậu là gần 15 triệu đồng nhưng mỗi bữa đi ăn cùng sếp, mỗi bữa mời các đối tác đi ăn, đi chơi để giữ gìn mối quan hệ cũng có thể ngốn 1/3 số lương đó. Điều này chẳng ai biết, ai cũng cho rằng “với số tiền lương đó không biết Trung tiêu gì cho hết...”.

Dần dần, Trung bắt đầu sợ những cuộc điện thoại gọi từ quê vì có cảm giác như mình đang bị bóc lột để nuôi một cái máy tiêu tiền của nhà. Cậu cảm thấy chán nản và không còn động lực làm việc vì đôi lúc chạnh lòng lại nghĩ: Tại sao mình phải làm việc để cung cấp tiền cho bố mẹ nuôi một cô em gái không biết đến bao giờ mới chịu nghĩ cho người khác?...

Thực tế hiện nay, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp khá cao. Điều đó khiến tìm việc trở thành gánh nặng đối với mỗi người. Do đó, thay vì đặt áp lực tinh thần hay tài chính lên vai con, tại sao các phụ huynh không thử tìm hiểu kỹ hơn để biết những khoản chi tiêu của con trong tháng, để biết con có cần thêm sự giúp đỡ nào nữa không?

Đừng vô tâm khi quẳng cho con một đống nợ phải trả khiến con hoang mang không biết bắt đầu từ đâu và tại sao khoản nợ đó đột nhiên đổ lên đầu mình. Cũng đừng buộc con phải nộp những khoản phí không hợp lý bởi nếu là những khoản chi tiêu chính đáng thì chắc chắn con cái lúc nào cũng sẵn lòng “móc hầu bao”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm