Bố mẹ chủ quan, con dễ vô sinh vì xoắn tinh hoàn

17/03/2017 - 19:31
'Do gia đình không để ý, nên đến khi bé bị đau dữ dội mới đưa đi khám thì con đã bị xoắn tinh hoàn. Nếu không kịp thời phẫu thuật thì khả năng phải cắt tinh hoàn, hoại tử do bị xoắn là rất cao', bác sĩ Lê Sĩ Trung cho biết.
Khoảng 3-4% bé trai sơ sinh bị ẩn tinh hoàn

Lấy nhau hơn 3 năm, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Nam - chị Tô Thu Hương (Q.Hà Đông, Hà Nội) mới sinh con trai đầu lòng. Nhìn thấy con được cô y tá bế ra từ phòng sinh mà anh Nam hạnh phúc trào nước mắt.

Sinh con lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm nên vợ chồng chị Hương quên hẳn khâu kiểm tra bộ phận sinh dục của con. Phải đến khi bé được 9 tháng, trong một lần tới nhà người thân chơi, khi thấy người này thắc mắc: “Hình như chim của bé không... giống lắm với các bé trai khác!”, anh Nam và chị Hương mới chột dạ. Đúng là khi sờ “của quý” của con trai, anh thấy bé thiếu đi 1 “hạt ngọc”. Vậy là ngay sớm ngày hôm sau, vợ chồng họ đưa con đi bệnh viện để khám.
tre-so-sinh.jpg
Khoảng 3-4% bé trai sơ sinh bị ẩn tinh hoàn. Ảnh minh họa
Bác sĩ chẩn đoán bé mắc chứng tinh hoàn ẩn. Bác sĩ Lê Sĩ Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam, cho biết, tinh hoàn chưa xuống bìu hay còn gọi là tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, là tình trạng bất thường trong quá trình di chuyển của tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu, bao gồm cả sự dừng lại trên đường di chuyển hoặc di chuyển lạc đường. Đây là bất thường bẩm sinh phổ biến ở hệ sinh dục của bé trai. Thống kê cho thấy, có khoảng 30% các bé sinh non bị tinh hoàn ẩn, ở trẻ sinh đủ tháng, tỉ lệ này là 3-4%.

Đáng lưu ý, trong thực tế có khá nhiều gia đình chủ quan không để ý tới 2 “hạt ngọc” của con, cứ thấy bé sinh ra có “chim”, tiểu tiện bình thường... là yên tâm. Hậu quả là trẻ không được điều trị sớm khiến sự phát triển của tinh hoàn bị giới hạn, về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Không ít trẻ, do gia đình không để ý, đến khi trẻ bị đau dữ dội mới đưa đi khám thì trẻ đã bị xoắn tinh hoàn, nếu không kịp thời phẫu thuật thì khả năng phải cắt tinh hoàn bị hoại tử do bị xoắn là rất cao.

Mổ hạ tinh hoàn

Theo bác sĩ Lê Sĩ Trung, bệnh tinh hoàn ẩn thường có biểu hiện bìu xẹp, lệch nếu ẩn tinh hoàn 1 bên hoặc xẹp hoàn toàn nếu ẩn tinh hoàn cả 2 bên. Trong vòng khoảng 6 tháng sau khi trẻ được sinh ra, tinh hoàn vẫn có thể tiếp tục quá trình di chuyển và xuống đến đúng vị trí trong bìu. Tuy nhiên, khả năng 1 tinh hoàn tự di chuyển xuống bìu vào vị trí bình thường không nhiều.

Nếu sau 6 tháng tuổi mà tinh hoàn chưa xuống bìu thì trẻ cần được điều trị. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng xoắn tinh hoàn. Bệnh có biểu hiện là đau dữ dội, đột ngột ở bìu. Vùng bìu bẹn xưng to, sờ rất đau, có thể chuyển màu tím đen. Đây là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu mổ muộn sau 6 giờ tính từ cơn đau đầu tiên thì khả năng phải cắt tinh hoàn bị hoại tử do xoắn là rất cao.

Ngoài ra, khi không được đưa về đúng vị trí, sự phát triển của tinh hoàn sẽ bị giới hạn. Vì bìu có cấu tạo đặc biệt, luôn được giữ ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể 10C. Nếu tinh hoàn ở cao chưa xuống bìu thì sẽ phải ở trong môi trường có nhiệt độ cao, không thuận lợi cho sự phát triển của tinh hoàn và ảnh hưởng xấu cho khả năng sinh ra tinh trùng, là nguyên nhân của vô sinh sau này.

Do đó, bé trai đã quá 6 tháng tuổi mà không sờ thấy tinh hoàn ở bìu thì đều cần phải được khám ngay và điều trị. Mổ hạ tinh hoàn là phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả nhất hiện nay. Phẫu thuật này rất cần thiết để đảm bảo chức năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc nội tiết có tác dụng giúp tinh hoàn di chuyển xuống bìu. Tuy nhiên, thuốc nội tiết có những tác dụng không mong muốn khó kiểm soát nên việc sử dụng thuốc trong điều trị ẩn tinh hoàn phải được bác sĩ chuyên khoa xem xét theo từng trường hợp cụ thể, theo dõi sát sao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm