“Bố mẹ muốn cháu tự lập hay muốn tống cổ cháu đi?”

Thanh Tâm
01/10/2021 - 09:51
“Bố mẹ muốn cháu tự lập hay muốn tống cổ cháu đi?”

Ảnh minh họa

Để lo cho cô vào học được trường này, bố mẹ sẽ phải làm nhiều việc hơn để có đủ tiền đóng học phí. Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng học trường gì, thi vào đâu vẫn là cô. Cô bé lớn hơn, nên cách yêu thương của bố mẹ dành cho cô cũng khác hơn, có chút nghiêm khắc để rèn kỉ luật.

Câu hỏi đầy trăn trở của cô bé học lớp 9 ấy cứ xoáy mãi vào Thanh Tâm. Sau khi nói chuyện với cô bé, Thanh Tâm những muốn phá lệ, hỏi số điện thoại của bố mẹ cháu để gọi điện nói chuyện với họ. Cô bé kể, hình như bố mẹ không còn yêu cháu từ khi có em, bố mẹ luôn ghét và không muốn nhìn thấy cháu. Cô bé cảm nhận tình cảm của họ đã thay đổi, không còn thương mình như trước. Cô bé cứ hỏi Thanh Tâm, có phải nhà nào sau khi có thêm em bé đều không còn yêu con đầu tiên nữa? 

Được biết, sang năm cô lên cấp 3, bố mẹ còn muốn cho cô vào trường nội trú học. Cô không biết bố mẹ đang muốn mình tự lập hay tống cổ mình đi nữa. Cô bé buồn lắm, nhiều lúc muốn tìm việc kiếm tiền rồi tự lập để bố mẹ không mắng nữa.

Cô bảo, sức khỏe mẹ không tốt, mãi mới sinh được em bé. Năm nay, em trai cô mới vào lớp 1, kém cô tới 8 tuổi. Nhưng cậu bé toàn bắt nạt cô. Cô ấm ức bảo: "Nó biết bố mẹ yêu nó, chiều nó và ghét cháu nên nó thường xuyên bày bừa đồ, không chịu làm việc nhà, rồi đổ lỗi cho cháu". Không cần biết đúng sai ra sao, mẹ lại mắng cô. Còn bố thì không mắng nhưng lúc nào tức lên là phạt cô, thậm chí đánh đòn. Ví dụ, hai chị em đi chơi, đã bảo em chạy chậm thôi nhưng nó không chịu nghe, đến lúc ngã, nó gào cái mồm lên khóc ăn vạ. Cô lại bị mẹ mắng vì không biết trông em.

Cô bảo, mẹ không còn thương cô, không còn muốn nghe cô giải thích. Mẹ dành ánh mắt âu yếm, lời nói ngọt ngào cho em, còn với cô thì lúc nào cũng "giọng thét ra lửa, ánh mắt hình viên đạn". Cô đã cố học chăm chỉ, những lúc được điểm 9, 10 thì bố mẹ không bảo gì, cũng chẳng khen ngợi. Nhưng hôm nào bài kiểm tra bị điểm thấp, cả bố và mẹ đều hỏi rồi phạt, cấm xem phim, cấm động vào Ipad. Trong khi đứa em lúc nào cũng được mẹ nựng: "Con giỏi lắm, mẹ yêu con", "Không sao đâu, cố lên con, mẹ ở cạnh rồi lo gì!", "Bài này không hiểu để mẹ giúp!"... Cô nghe thế đã thấy tức. Ngày trước cô cũng được thế, vậy mà bây giờ có em, cô bị "ra rìa".

Cô nhớ ngày xưa, cuối tuần, bố mẹ đều cho đi chơi công viên, vào nhà sách chơi trò chơi rồi chọn 1 quyển truyện thật hay tối về thủ thỉ đọc với nhau... Hồi nhỏ cô thích học múa, nhà xa trường mẹ vẫn cho cô học vào cuối tuần. Những hôm trời mưa, bố mặc áo mưa rồi 2 mẹ con chui phía sau, đi tới lớp. Cô chẳng bị ướt chút nào, cười khanh khách mỗi khi có hạt mưa bắn vào chân, còn mẹ thì cuống cuồng lo cô bị làm sao. Từ khi mẹ mang bầu, bố dặn cô phải chăm mẹ, vì mẹ sắp đẻ em bé. Cô phải tự giác học bài vì bố rất bận, còn mẹ thì đang rất mệt. Nhưng bố mẹ không hiểu cho cô. Mỗi khi cô vô ý làm gì sai là bố mẹ nói cô ích kỉ, vô tâm. Thực ra cô cũng thấy em rất đáng yêu nhưng cô không thích em. Nếu bố mẹ dành tình cảm công bằng hơn, quan tâm và để ý tới cô, có lẽ cô cũng sẽ thích em hơn một chút.

Thanh Tâm rất thương cô bé và động viên, cách thể hiện của bố mẹ khiến cô tủi thân chứ bố mẹ nào cũng thương các con. Chính cô đã nhận ra, trước khi em ra đời, cô cũng nhận được sự yêu thương y hệt như vậy. Thanh Tâm nói với cô bé, bố mẹ muốn rèn luyện sự tự lập, tìm môi trường học tốt nhất cho cô nên mới tìm hiểu trường nội trú. Để lo cho cô vào học được trường này, bố mẹ sẽ phải làm nhiều việc hơn để có đủ tiền đóng học phí. Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng học trường gì, thi vào đâu vẫn là cô. Cô bé lớn hơn, nên cách yêu thương của bố mẹ dành cho cô cũng khác hơn, có chút nghiêm khắc để rèn kỉ luật. Thanh Tâm khuyên cô bé thử mở lòng và nói chuyện với bố mẹ, chia sẻ tâm sự của mình. Thanh Tâm tin, bố mẹ cô bé sẽ luôn lắng nghe và giải thích với cô về những hành động của mình, cho cô một lời giải đáp thoả đáng về tình yêu của bố mẹ dành cho hai chị em.

Nhưng trong lòng, Thanh Tâm mong nói chuyện được với bố mẹ cô bé, để họ điều chỉnh cách thể hiện, dạy dỗ con, đừng để cô bé ấy cứ phải sống trong hờn tủi, so sánh, lại không được tận hưởng niềm vui có em trai của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm