pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bố ngó lơ khi con 3 tuổi kêu đau “cậu nhỏ”, 3 ngày sau bế đi cấp cứu
Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại - Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang đã phẫu thuật bảo tồn thành công tinh hoàn bị xoắn cho bé trai Nguyễn Ngọc Phong (3 tuổi, trú tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Theo chia sẻ từ gia đình, bé Phong có kêu đau vùng bộ phận sinh dục trước khi nhập viện, khi kiểm tra không thấy bất thường nên bố cháu bé chủ quan, không đưa đi khám.
Sang tới ngày thứ 3, thấy con kêu đau nhiều hơn, kèm quấy khóc, bố mẹ kiểm tra thì phát hiện vùng bìu của trẻ sưng đỏ nên liền đưa bé tới Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang khám. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy, vùng bìu trái của bé Phong sưng to, nề, tím, sờ nắn tinh hoàn trái thấy to hơn tinh hoàn phải, gây đau nhiều. Tinh hoàn phải nằm trong bìu, không sưng, không viêm.
Sau khi cho trẻ nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn trái và chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Quá trình phẫu thuật cho thấy cuống tinh hoàn trái bị xoắn 2 vòng, các bác sĩ đã xử lý bảo tồn cho trẻ. Hiện sau 9 ngày phẫu thuật, bé Phong đã ổn định, được xuất viện.
Kíp phẫu thuật tháo xoắn bảo tồn tinh hoàn cho bé trai 3 tuổi.
Bác sĩ Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cho biết, trường hợp này rất may khi đưa đến viện kịp thời, vẫn có thể bảo tồn được, nếu muộn tinh hoàn xoắn bị hoại tử nặng, nguy cơ cắt bỏ rất lớn.
Theo bác sĩ Đại, trẻ bị sưng đau vùng bìu cấp khá thường gặp và do nhiều nguyên nhân khác nhau như xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt… nhưng cần cảnh giác với xoắn tinh hoàn - bệnh lý cấp cứu ngoại khoa chiếm khoảng 17% trường hợp đau bìu cấp tính ở trẻ em.
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây sưng và đau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh.
Biểu hiện của xoắn tinh hoàn bao gồm: Đau dữ dội, đột ngột ở một bên hoặc hai bên bìu, một số trẻ có kèm theo đau bụng dưới, buồn nôn và nôn (trẻ sơ sinh thì quấy khóc, bỏ bú, phù nề và đỏ da bìu); Trẻ đau, sưng vùng nếp bẹn bên không có tinh hoàn kèm đau vùng bụng dưới (ở bệnh nhi tinh hoàn ẩn). Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, bìu sưng tím và rất đau.
Xoắn tinh hoàn ở trẻ rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời.
Thời gian vàng để bảo tồn được tinh hoàn thường là trước 6 tiếng kể từ khi có triệu chứng đau cấp tính. Do vậy, bệnh nhi cần phải được phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn càng sớm càng tốt để bảo tồn bộ phận này. Nếu để quá muộn, tinh hoàn có thể bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ sinh sản của trẻ.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Đại khuyến cáo, phụ huynh khi thấy trẻ đau ở vùng bìu (ngay cả khi chưa có hiện tượng sưng đỏ, tím) cần đưa tới bệnh viện có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật nhi khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trường hợp nếu tinh hoàn bị xoắn 2 vòng mà không được phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn sớm thì chỉ sau 6 tiếng có thể bị hoại tử buộc phải cắt bỏ.
Trong trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn khiến tinh hoàn bị hoại tử, không bảo tồn được phải cắt bỏ, bác sĩ phẫu thuật nên cố định được tinh hoàn bên lành để ngăn ngừa tình trạng tinh hoàn có thể tiếp tục bị xoắn ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản của trẻ sau này.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi