pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ Quốc phòng lý giải việc không phân biệt tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ
Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội. Ảnh minh họa
Cuối giờ sáng 5/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội.
Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ chiều 28/10, cơ quan soạn thảo Bộ Quốc phòng cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị phân biệt tuổi giữa nam và nữ cấp đại tá và cấp tướng; quy định lộ trình tăng tuổi tương tự như Điều 169 Bộ luật Lao động.
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, số lượng nữ sĩ quan chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 3% so với tổng số sĩ quan. Nữ sĩ quan chủ yếu công tác ở cơ quan, học viện, nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu khoa học, đơn vị văn hóa nghệ thuật… Thực tế, không có nữ sĩ quan chỉ huy đơn vị chiến đấu.
Hằng năm, chỉ tuyển sinh quân sự đào tạo sĩ quan nữ tại các Học viện: Quân y, Hậu cần, Kỹ thuật quân sự, Khoa học quân sự. Một số ít được tuyển chọn phong quân hàm sĩ quan để bố trí, sắp xếp ở những chuyên ngành quân đội không đào tạo được hoặc đào tạo được nhưng còn thiếu so với biên chế.
Theo Bộ Quốc phòng, sĩ quan nữ được bố trí ở các vị trí phù hợp với sức khỏe, giới tính và được quan tâm, tạo điều kiện để có thời gian chăm sóc gia đình.
Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, thì tuổi nghỉ hưu của lao động nữ năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng, sau đó mỗi năm tăng 4 tháng, đến năm 2029 là 58 tuổi, năm 2035 là 60 tuổi.
Hiện nay, hạn tuổi phục vụ tại ngũ của nữ sĩ quan cấp Thượng tá trở xuống theo quy định tại dự thảo Luật vẫn thấp hơn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên không cần thiết quy định lộ trình tăng tuổi.
Hiện toàn quân có 1 nữ sĩ quan cấp Thiếu tướng
Đối với nữ sĩ quan cấp Tướng và Đại tá, hiện nay toàn quân có 1 đồng chí cấp bậc Thiếu tướng và khoảng 2% nữ sĩ quan cấp Đại tá so với tổng số sĩ quan cấp Đại tá. Nhóm này cơ bản thuộc đối tượng kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ 5 năm theo quy định của dự thảo Luật.
Độ tuổi cao nhất trong số nữ sĩ quan cấp Đại tá hiện nay có 13 đồng chí 53 tuổi, nên đến năm 2029 là 58 tuổi, phù hợp với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Thực tiễn từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay, Quân đội mới có 7 đồng chí nữ là sĩ quan cấp Tướng, trong đó, 4 đồng chí là Tiến sĩ, bác sĩ (thời kỳ cao nhất có 3 nữ sĩ quan cấp Tướng cùng công tác, hiện tại chỉ có 1 đồng chí đang công tác).
Vì vậy, Bộ Quốc phòng cho rằng, dự thảo Luật không phân biệt tuổi phục vụ tại ngũ giữa nam với nữ và không quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ sĩ quan có quân hàm Đại tá là phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này đã được Chính phủ và Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhất trí.
Dự thảo luật đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội cấp úy, cấp tá lên 1- 4 năm.
Cụ thể, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi. Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi. Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi. Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi. Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ)
Cấp tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.