pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng LĐ-TB&XH: Không để chính sách an sinh xã hội đi lòng vòng
Chiều nay 27/4, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch là việc chưa có tiền lệ. Khi có Quyết định 15 thì các địa phương hoàn toàn đủ căn cứ để triển khai.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản là chỉ tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng dịch bênh không đảm bảo mức sống tối thiểu và các đối tượng chính sách được quy định. Còn hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện đều quy định trong Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy Bộ này sẽ không ban hành thêm các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Ông Dung khẳng định: "Nếu xảy ra vấn đề thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý về Đảng, về hành chính, nếu vi phạm nghiêm trọng thì chuyển xử lý hình sự". Đồng thời không để chính sách an sinh xã hội đi lòng vòng, đừng để "dê nhầm nhà, gà đi lạc". Hiện nay, "rất nhiều người đang khao khát, mong chờ nhận hỗ trợ. Lúc người dân đói, cần phải hỗ trợ ngay. Đây không phải trách nhiệm mà là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta", ông Đào Ngọc Dung nói.
Theo quy định, việc triển khai gói hỗ trợ theo quy định thẩm quyền quyết định của địa phương. Người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chị trách nhiệm toàn bộ về việc đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Với nhóm lao động tự do, theo ông Đào Ngọc Dung, đây là nhóm đối tượng khó khăn nhất, đang rất cần hỗ trợ trong thời điểm này. Vì vậy, khuyến khích Hà Nội và TP HCM thực hiện hỗ trợ lao động tự do trước ngày 30/4.
Như Báo PNVN đã phản ánh, phát biểu tại Hội nghị này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB-XH, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ. Niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát.
Cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
Ở Mặt trận Trung ương, cần công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân.