Bỏ việc văn phòng khởi nghiệp từ rác, cô gái châu Phi tái chế hàng tấn rác nhựa thành loại gạch bền và rẻ

Bảo Hân
30/05/2023 - 18:27
Startup của cô gái 31 tuổi này đã tái chế rác nhựa thành những viên gạch thân thiện với môi trường, chi phí thấp, bền và nhẹ hơn gạch bê tông.

"Nhựa vẫn có giá trị", Nzambi Matee nói về hàng núi thùng phuy đựng dầu, xô giặt, hộp đựng sữa chua và các loại rác khác được cắt nhỏ thành những mảnh đầy màu sắc tại nhà máy có trụ sở tại Nairobi (Kenya) của cô.

Công ty khởi nghiệp Gjenge Makers được thành lập bởi cô gái người Châu Phi 31 tuổi này đã tạo ra một loại vật liệu xây dựng được làm từ nhựa tái chế với cát để tạo ra những viên gạch thân thiện với môi trường, chi phí thấp, bền và nhẹ hơn gạch bê tông.

photo-1

Nữ CEO 31 tuổi Nzambi Matee.

Bỏ công việc văn phòng để khởi nghiệp

Nzambi Matee, người chuyên về khoa học vật liệu và từng là kỹ sư trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Kenya, đã được truyền cảm hứng để bắt đầu bắt đầu công việc khởi nghiệp của mình sau khi thường xuyên bắt gặp những chiếc túi nhựa rải rác dọc đường phố Nairobi. Cô bị sốc khi lượng rác thải được tái sử dụng quá ít.

Theo UNEP, trên toàn cầu, mỗi phút người ta mua 1 triệu chai nước uống bằng nhựa trong khi có tới 5 nghìn tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng hàng năm.

photo-1

"Rác thải nhựa không chỉ là vấn đề của Kenya mà còn là vấn đề của toàn thế giới.

Tại Nairobi, chúng tôi tạo ra khoảng 500 tấn chất thải nhựa mỗi ngày và chỉ một phần nhỏ khoảng 10% trong số đó được tái chế, bởi các công ty phải trả một phần chi phí để xử lý các chất thải. Điều này khiến tôi băn khoăn rằng chuyện gì sẽ xảy ra với loại nhựa này và không biết điều tiêu cực nào sẽ đón chờ chúng tôi cũng như môi trường nữa", Nzambi Matee cho biết.

Năm 2017, cô quyết định bỏ công việc phân tích dữ liệu và thành lập một phòng thí nghiệm nhỏ ở đằng sân sau nhà. Ở đó, cô bắt đầu tạo và thử nghiệm những tấm lát nền, là sự kết hợp giữa nhựa và cát. Đồng thời, Matee lấy vật liệu phế thải miễn phí từ các khu công nghiệp và mua nó từ những người tái chế khác.

Thông qua các cuộc thử nghiệm, cô hiểu được loại nhựa nào liên kết với nhau tốt hơn và sau đó tạo ra máy móc cho phép chúng sản xuất hàng loạt.

photo-1

photo-1

Matee kể phải mất khoảng gần 2 năm để hoàn thiện một nguyên mẫu và đến năm 2019, quá trình sản xuất mới được tiến hành đều đặn.

"Tôi đã phải khép mình, hầu như không giao tiếp với ai trong 1 năm đầu tiên và dồn toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào quá trình này. Gia đình, bạn bè, người thân của tôi từng rất lo lắng", cô chia sẻ.

Nhựa có bản chất là sợi và quy trình sản xuất độc đáo ngăn không cho các túi khí hình thành bên trong các viên gạch. Điều này dẫn đến cường độ nén lớn hơn so với đá ốp lát thông thường bị nứt dưới lực nặng hoặc tiếp xúc với thời tiết kéo dài.

Các mảnh nhựa vụn được trộn với cát và chịu nhiệt độ cực cao, tạo ra bùn được đúc thành các khối có kích thước khác nhau. Cô cho biết kết quả cuối cùng là một loại gạch lát bền hơn bê tông từ 2 đến 7 lần, trọng lượng chỉ bằng một nửa và rẻ hơn tới 15%.

photo-1

Sản phẩm gạch được làm từ nhựa tái chế của công ty Gjenge Makers.

Với quy trình này, Matee cũng đã phát triển máy móc mà cô sử dụng để làm sản xuất hàng loạt sản phẩm của mình.

"Vì thế, nó không bị vỡ", Matee nói, vỗ mạnh hai viên gạch nhựa vào nhau.

"Nhựa là vật liệu bị lạm dụng và hiểu sai"

Theo Matee, nhựa có tiềm năng to lớn để tái sử dụng, nhưng nó bị lạm dụng và hiểu sai.

"Thật vô lý khi chúng ta vẫn gặp vấn đề về việc hiểu sai công dụng của nhựa. Đây là loại vật liệu có tiềm năng rất lớn, nhưng hậu quả của nó đem lại cho môi trường thật sự là thảm họa."

Soraya Smaoun, chuyên gia về kỹ thuật sản xuất công nghiệp của UNEP, cho biết: "Chúng ta phải suy nghĩ lại về cách chúng ta sản xuất các sản phẩm công nghiệp và xử lý chúng khi chúng hết hạn sử dụng.

Sự đổi mới của Nzambi Matee trong lĩnh vực xây dựng làm nổi bật cơ hội kinh tế và môi trường khi chúng ta chuyển từ nền kinh tế tuyến tính, nơi các sản phẩm sau khi được sử dụng sẽ bị loại bỏ, sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi các sản phẩm và vật liệu tiếp tục tồn tại càng lâu càng tốt."

photo-1

Nữ CEO cho biết trong số 7 loại nhựa chính, chỉ có 4 loại có thể được tái chế thành gạch.

Nhựa PET - loại được sử dụng trong chai nhựa và là một tai họa lớn đối với môi trường vẫn chưa tương thích, nhưng họ hy vọng sẽ thay đổi điều đó.

"Còn nhiều việc có thể làm và cần phải làm. Chúng tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương, nhưng nhờ những giọt nhỏ sẽ tạo nên tác động lớn."

Công ty đang cố gắng thâm nhập vào thị trường nhà ở giá rẻ bằng cách thiết kế một khối nhà có thể thay thế hoặc bổ sung cho gạch, vữa và các vật liệu xây dựng tiêu chuẩn khác. Đồng thời một nguyên mẫu đang được thực hiện, với kế hoạch xây dựng một ngôi nhà mẫu vào cuối năm nay.

"Chúng tôi muốn trở thành người dẫn đầu trong các sản phẩm xây dựng thay thế", Matee nói.

photo-1

Gjenge Makers cũng đã tạo ra hơn 100 việc làm trực tiếp và gián tiếp thông qua việc tái chế nhựa, giúp ích cho cả sinh kế và môi trường theo cách mà Matee cho rằng không thể làm được với nhiên liệu hóa thạch.

Với sáng kiến của mình, năm 2020, Matee đã được vinh danh là Nhà vô địch Trẻ tuổi của Trái đất năm 2020 tại Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Hiện tại, công ty khởi nghiệp Gjenge Makers có hơn 110 người, họ đã tái chế gần 500 kg rác thải nhựa mỗi ngày và sản xuất ra khoảng 500-1000 viên gạch thân thiện với môi trường.

Vào năm 2021, họ đã tái chế 50 tấn nhựa nhưng Matee hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng đó vào những năm tới khi mở rộng sản xuất.

Trong tương lai gần, Matee có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để bao gồm một dây chuyền sản xuất lớn hơn nhiều nhằm tăng năng suất sản xuất của nhà máy lên gấp ba lần.

Chia sẻ về kế hoạch của Gjenge Makers, cô tiết lộ có 3 mục tiêu cần thực hiện đó là:

- Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng cách tái chế các vật liệu bằng nhựa, đồng thời cung cấp các sản phẩm xây dựng thay thế đẹp, chắc và bền.

- Tạo cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ ở Kenya nói riêng và Châu Phi nói chung, từ đó kêu gọi mọi người ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường.

- Tạo tiền đề thúc đẩy và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực kỹ thuật.


Nguồn: Theo Design Boom, World Architecture, Phys.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm