pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất cấm nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử
Ảnh minh họa
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam (qua nhiều cách khác nhau) trong gần 10 năm trở lại đây, nhưng hệ lụy của nó gây ra đang đe dọa những thành quả của công cuộc phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá cho biết, 10/2023, Bộ Y tế nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.
Tháng 3/2024, WHO tiếp tục gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành “Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc “vape”, các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam”.
Theo số liệu của Tổ chức WHO và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Mỹ), số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm này đang tăng lên.
Cụ thể, đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm (Hong Kong, Đài Loan, Venezuela).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, thực tế chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử nào được bán dưới dạng sản phẩm cai thuốc lá do không chứng minh được dữ liệu lâm sàng.
Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác PCTH của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá, trái với nguyên tắc giảm nguồn cung và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược quốc gia PCTH của thuốc lá.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá với thành tựu là giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022).
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTH của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Đặc biệt là trong giới trẻ, cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%.
Trước thực trạng đáng báo động như hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.