Điểm tựa hỗ trợ phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc Dao ở Hòa Bình

Mỹ Mai (Ban Kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam)
11/08/2020 - 06:30
Điểm tựa hỗ trợ phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc Dao ở Hòa Bình

Các thành viên HTX Bản Dao - Thống Nhất. Ảnh: M.Mai

Trong nhiều năm qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp bản Dao (tỉnh Hòa Bình) đã trở thành điểm tựa vững chắc hỗ trợ phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc Dao tại phường Thống Nhất thành phố Hòa Bình.

Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm qua Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó mô hình kinh tế tập thể đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn. Từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào các tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX) hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của thành viên phụ nữ được nâng cao đáng kể.

Trong nhiều năm qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp bản Dao (tỉnh Hòa Bình) đã trở thành điểm tựa vững chắc hỗ trợ phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc Dao tại phường Thống Nhất thành phố Hòa Bình.

Ban đầu khi thành lập, HTX chỉ có 20 thành viên, cùng số vốn và cơ sở vật chất hạn chế. Sau hơn 15 năm hoạt động, HTX đã thu hút được 86 thành viên người dân tộc Dao, với doanh  thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm từ nhiều ngành nghề dịch vụ như: cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp….

Bông hoa xứ Mường làm giàu từ đất Mẹ (phần 2) - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bình (bìa trái) - Giám đốc HTX Bản Dao Thống Nhất và một số thành viên HTX. Ảnh: M.Mai

Từ khi nhận thấy cây sả có tiềm năng phát triển kinh tế khi tận dụng diện tích vườn, đồi để trồng sả xen canh tại địa phương, ban lãnh đạo hợp tác xã đã nghiên cứu, thống nhất trong thành viên để đầu tư sản xuất cây sả theo hướng kinh tế hàng hóa. Trong tổng số 200 ha sả của toàn địa bàn phường ven thành phố đã có 145 ha của thành viên HTX trồng theo quy trình sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường.

Để phát triển được diện tích và quy mô trồng sả thành công như hiện nay, HTX đã trải qua một thời gian khởi đầu với nhiều khó khăn, chưa có máy móc phải đi thuê chiết xuất tinh dầu, tư thương ép giá chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg sả nguyên liệu. Tuy nhiên, HTX đã chủ động tìm kiếm đối tác, phát triển ý tưởng sản xuất mới, quảng bá thương hiệu, nhằm thu hút sự quan tâm của thị trường.

Năm 2019, HTX Bản Dao đã tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam với ý tưởng chế biến tinh dầu sả và được hỗ trợ 153 triệu đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 

Với kinh phí hỗ trợ, HTX Bản Dao đã đầu tư dây chuyền chưng cất tinh dầu sả, đưa vào vận hành sản xuất đều đặn tại nhà xưởng ngày càng hiện đại hóa. HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 86 lao động là thành viên HTX và 15 lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Bình - Giám đốc HTX Bản Dao Thống Nhất - giới thiệu về các sản phẩm từ cây sả của HTX. Ảnh: M.Mai

Chị Nguyễn Thị Bình, dân tộc Mường, Giám đốc HTX Bản Dao, xúc động chia sẻ: “Từ khi có dây chuyền chưng cất tinh dầu được hỗ trợ, các thành viên hợp tác xã đã giảm lao động nặng nhọc. Tất cả các sản phẩm từ sả (củ sả, lá, bẹ sả) đều có thể chưng cất thành tinh dầu có giá trị kinh tế cao. Dây chuyền có công suất hoạt động 2 mẻ/ngày, cho định mức từ 2,0 – 2,5 lít tinh dầu/ngày. Ngoài ra, HTX đã liên kết với nhiều đối tác phát triển đa dạng sản phẩm với tinh dầu sả chanh, nước lau nhà từ tinh dầu sả, nước rửa bát. HTX đảm bảo tiêu thụ toàn bộ cây sả và các sản phẩm nông nghiệp của thành viên sản xuất, do đó mức thu nhập của chị em ngày càng cao, số lượng thành viên tham gia ngày càng đông. Đây cũng là cơ hội giúp chị em phụ nữ dân tộc Dao nâng cao nhận thức và chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời tạo việc làm và góp một phần vào chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương”. 

Để HTX phát triển hiệu quả, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hòa Bình tổ chức tập huấn cho ban lãnh đạo và thành viên HTX, hỗ trợ giống cây, nhãn mác sản phẩm, tập huấn về kỹ thuật trồng sả cho thành viên.

Có thể khẳng định, mô hình HTX bản Dao đã đóng góp không nhỏ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh hiệu quả tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho hội viên nông thôn, mô hình HTX tại Bản Dao còn là hình mẫu của hoạt động kinh tế hợp tác thắm đượm tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của phụ nữ hai dân tộc Mường - Dao trên địa bàn phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm