'Bông hồng' trong lòng địch: Chị cả của mạng lưới điệp báo

29/04/2016 - 07:00
Có một nữ tình báo để đền nợ nước, trả thù nhà đã quyết chí đi theo cách mạng để rồi sau đó xây dựng được một hệ thống cơ sở điệp báo hoạt động trong lòng địch, góp công lớn cho đại thắng mùa xuân năm 1975.

Mới 7 tuổi đầu cô bé Sáu Thảo (tên thật là Nguyễn Thị Thảo) đã chứng kiến 6 cái chết của những người thân yêu trong gia đình mình. Mẹ và anh của bà hoạt động cách mạng và bị giặc Pháp giết hại khi bà mới 4 tuổi. Một năm sau, giặc Pháp đốt căn nhà nhỏ của gia đình bà ở tỉnh Sông Bé. Trước cảnh tang thương của gia đình, người anh trai đang đi bộ đội được đơn vị tạo điều kiện cho về thăm nhà thì bị giặc bắn chết. Người cha đau yếu năm đó cũng qua đời. Chị em bà từ đó phải ly tán mỗi người một phương. Bà lên Sài Gòn ở với người dì ruột, vừa đi học, vừa bán hàng rong để kiếm sống. Một thời gian ngắn, bà lại tiếp tục nhận được tin hy sinh của những người thân… Rồi đến người chồng của dì cũng bị giặc bắt và tra khảo cho đến chết.

Phải chứng kiến thêm một sự hy sinh nữa của người thân, Sáu Thảo quyết định rời Sài Gòn về quê chiến đấu với những kẻ nợ máu với gia đình mình. Năm 1958,  khi mới16 tuổi, Sáu Thảo đã khai tăng thêm 2 tuổi để đủ điều kiện đi làm cách mạng.

Ngày đầu hoạt động cách mạng, nhiệm vụ của bà là vận động thanh niên đi theo cách mạng và vận động quần chúng đóng góp vật chất để cơ sở hoạt động. Bên cạnh đó, dưới vỏ bọc là cô thợ may cao ráo, xinh xắn và hiền lành, phải tận dụng cơ hội bọn lính trong các đồn bốt gần đó đến tán tỉnh để khai thác những thông  tin cần thiết về tình hình quân số, vũ khí… rồi báo cáo với tổ chức. Địch tổn thất nặng, nguy cơ bị lộ đến rất gần, Sáu Thảo đã chủ động xin tổ chức được thoát ly vào vùng kháng chiến.

Bà được bố trí làm văn thư đánh máy tại Văn phòng Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Đến tháng 3/1967, do yêu cầu bức thiết từ chiến trường miền Đông, bà kiên quyết vào chiến khu D. Tháng 10 năm ấy, bà được cử đi học lớp Trinh sát thuộc Trường An ninh miền Nam. Ra trường với kết quả xuất sắc, bà được tổ chức phân về công tác tại Ban điệp báo miền Nam.

ip-bo-vin-nguyn-th-tho.jpg
 Nữ tình báo Sáu Thảo. Ảnh: vov.vn

Với nhiệm vụ bằng mọi cách vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn, Sáu Thảo được phân công xây dựng mạng lưới giao liên hai chiều để vào nội đô Sài Gòn và móc nối cơ sở của ta ra gặp lãnh đạo. Sáu Thảo núp dưới vỏ bọc là một người “vợ lính” khi hoạt động nội đô và là một người buôn bán khi ra vùng giáp ranh.

Tiêu chí chọn giao liên nữ của Sáu Thảo phải là người tốt, trung thành, biết chữ, thông minh để có khả năng ứng phó mọi tình huống và đặc biệt, về nhan sắc chỉ vừa phải để không bị bọn lính tráng chòng ghẹo. Chỉ sau hai tháng, bà đã có được một người đồng chí thường xuyên vào nội đô đúng yêu cầu của cấp trên.

Từ đầu mối này, bà nhân rộng ra. Cứ thế, bà dần dần xây dựng được mạng lưới giao liên để đáp ứng yêu cầu liên lạc từ vùng kháng chiến đến vùng địch hậu và chiều ngược lại. Bên cạnh đó bà còn xây dựng một mạng lưới dự bị đề phòng mạng lưới trên bị lộ.

Mặc dù 2 lần bị địch bắt và tra tấn rất dã man, mạng lưới giao liên do Sáu Thảo xây dựng cho đến ngày miền Nam giải phóng vẫn không hề bị lộ.

Sau khi ra tù vào cuối năm 1971, có kinh nghiệm của người có thể xây dựng được cơ sở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Sáu Thảo được tổ chức phân công xây dựng cơ sở điệp báo trong tổ chức địch để nắm tình hình. Đối tượng cần phải nắm là giới sinh viên, trí thức ở những cơ quan đầu não của giặc.

Từ đầu năm 1972, bà đã xây dựng được nhiều cơ sở, đa số là giao liên, cơ sở ăn ở, để hoạt động bí mật... góp phần hình thành được 3 cụm điệp báo quan trọng: cụm số 6, cụm Z8 và cụm Z7.

Các cơ sở nội đô có “gốc rễ” hoặc quan hệ thân thiết, an toàn tin cậy với chính quyền Sài Gòn nhưng để tìm kiếm được họ quả là một vấn đề không đơn giản. Qua những đầu mối giới thiệu, bà nắm được những nhân vật hiện công tác trong các cơ quan của chính quyền Sài Gòn, đa số là những nhà trí thức có tinh thần yêu nước. Có lần được giới thiệu 10 nhân vật, bà không chọn được người nào để xây dựng cơ sở.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, cần có sự phối hợp hành động giữa các chiến trường trên tất cả các lĩnh vực. Sáu Thảo được đồng chí Trần Quốc Hương, lúc đó là Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ phải xây dựng một cơ sở trong Nha Viễn thông của ngụy để có thể thực hiện việc cúp điện, vô hiệu hóa rađa khu vực đèo Hải Vân và núi Bà Đen. Nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian 6 tháng. Tìm một cơ sở cho nhiệm vụ này không hề đơn giản bởi nó sẽ góp phần quyết định giờ phút quan trọng của lịch sử. Cuối cùng thì Sáu Thảo tìm được một người với bí danh “Hô” làm việc tại Nha Viễn thông Sài Gòn.

Thời điểm gần đến ngày giải phóng, chủ trương của cấp trên là tất cả mạng lưới điệp báo phải quán triệt cho cơ sở tinh thần: cố gắng giữ nguyên hiện trạng về cơ sở vật chất và tài liệu trong các cơ quan, cơ sở đã được cài cắm vào, đặc biệt là hồ sơ tài liệu của các trung tâm như: Nha Cảnh sát đô thành, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Bộ Dân vận chiêu hồi... Đến ngày giải phóng, mạng lưới cơ sở điệp báo do Sáu Thảo xây dựng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 3/1975, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đơn vị của bà từ Long Khánh được chuyển về Đức Huệ - Long An. Vì phải điều khiển mạng lưới cơ sở nên bà được tổ chức phân công vào hẳn nội đô từ ngày 10/4/1975 để sát cánh cùng các cơ sở phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Cho đến ngày giải phóng, toàn bộ các cơ sở điệp báo của Sáu Thảo không ai bị địch bắt. Họ vẫn giữ vững nguyên tắc bảo mật và sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm