'Bông hồng' trong lòng địch: Tiểu thư tình báo

25/04/2016 - 07:00
Xuất thân trong một gia đình giàu có, với vẻ sang trọng, đài các, Mỹ Nhung đã tạo nên một vỏ bọc hoàn hảo để thâm nhập vào cơ quan tình báo Hoa Kỳ, lấy được nhiều nguồn tài liệu tối mật phục vụ cho cách mạng.

Mỹ Nhung xuất thân trong một gia đình bán tơ lụa nổi tiếng, gốc làng Nội Duệ Bao, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Mẹ cô là bà Đào Thị Tư, một cô gái nhà giàu, xinh đẹp vào những năm đầu thế kỷ XX đã dám vượt qua định kiến, lấy một chàng trai ngụ cư. Cha cô là ông Nguyễn Đăng Phong , con trai út một ông tú, có học, gia cảnh khá giả nhưng từ làng khác đến lập nghiệp.

Ngay từ khi ra đời, Mỹ Nhung đã là một tiểu thư cành vàng lá ngọc. Cô được cha đặc biệt cưng chiều. Từ bé, cô đã được mặc những bộ quần áo bằng tơ lụa đẹp nhất, đeo đồ nữ trang đẹp nhất. Trong nhà có đến 6 người làm nên suốt ngày Mỹ Nhung chỉ học, chơi đùa và đọc sách.

m-nhung-tm-tho-thi-tr.jpg
 Mỹ Nhung thời trẻ

Công việc kinh doanh của mẹ cô ngày càng phát đạt. Bà Tư vào Nam, mở  thêm cơ sở buôn bán lụa. Bạn hàng của bà là các đại điền chủ nổi tiếng như gia đình Hội đồng Trạch, gia đình chồng bà Lâm Thị Phấn... Các con mỗi ngày mỗi lớn, công việc kinh doanh ngược Bắc xuôi Nam nên bà bàn với chồng đưa các con vào Nam mở rộng mạng lưới buôn bán tơ lụa.

Khi gia đình tản cư về Vĩnh Long, Mỹ Nhung mới 16 tuổi nhưng bài hát “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”  đã thôi thúc lý tưởng trong cô. Cô bỏ học, đón xe đò, tìm đường vào chiến khu, tìm người dì ruột cũng tham gia kháng chiến. Không gặp được dì, Mỹ Nhung được đưa đến một cơ quan đặc biệt. Cũng từ đây, cuộc đời cô gắn chặt với nghề tình báo như một định mệnh. Với vẻ đẹp sang trọng, đài các; Mỹ Nhung làm công tác liên lạc, mang tài liệu từ chiến khu vào nội thành và ngược lại một cách dễ dàng. Năm 1950, Mỹ Nhung được kết nạp Đảng khi cô mới 18 tuổi.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, gia đình Mỹ Nhung tiếp tục kinh doanh nghề bán vải vóc, tơ lụa. Họ có cửa hàng vải lụa Tân Mỹ nổi tiếng ở chợ Bến Thành. Là con gái lớn trong gia đình, Mỹ Nhung ngoài việc học còn phụ giúp gia đình kinh doanh cửa hàng Tân Mỹ. Công việc lấy hàng từ các đại lý tơ lụa khiến Mỹ Nhung quen biết nhiều khách hàng danh tiếng. Không chỉ thông thạo các chủng loại tơ lụa, cô còn giúp khách chọn chất liệu, màu sắc hợp với vóc dáng và tính cách. Khả năng ấy cộng với vẻ đẹp khả ái, biết ăn nói duyên dáng, mềm mỏng; Mỹ Nhung bán hàng rất giỏi. Khách tìm đến Tân Mỹ ngày càng đông.

Hàng xóm gia đình Mỹ Nhung ở căn nhà 136B đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) quen với hình ảnh các cô tiểu thư cành vàng lá ngọc cửa hàng vải Tân Mỹ mỗi khi ra đường đều diện những bộ quần áo dài đẹp nhất, những bộ quần áo thời trang nhất. Cha mẹ cô còn phóng khoáng cho con gái đi học... nhảy đầm để giao tiếp, tạo mọi điều kiện cho các con học tốt ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh.

Khi nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn sau 4 năm học từ Mỹ về Sài Gòn hoạt động, ông tìm cách bắt liên lạc với cách mạng. Chính Mỹ Nhung là người tổ chức móc nối, đưa  Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu ở Củ Chi gặp những đồng chí lãnh đạo. Từ đó, Mỹ Nhung có tên bí danh là Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) là người giao liên mang tài liệu do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn và ngược lại, mang những chỉ thị mật cho các cơ sở nội thành. Đó là công việc lướt trên hiểm nguy và cái chết. Như chuyến “giao hàng” gồm 24 cuộn phim Kodax chụp tư liệu mà Phạm Xuân Ẩn dày công lăn lộn trong hàng ngũ cao cấp chính quyền Sài Gòn mới có được. Khi giao cho thủ trưởng 24 cuộn phim Kodax có đánh số hẳn hoi, Tám Thảo mới hay mình vừa thoát qua cửa tử. 

tm-tho-bn-bn-lm-vic-ngy-761966.jpg
 Tám Thảo bên bàn làm việc ngày 7/6/1966.

Năm 1964, để chuẩn bị cho một công tác quan trọng là tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch, Mỹ Nhung được chỉ thị dừng những chuyến giao hàng mạo hiểm. Cô được Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu, còn có tên là Trần Văn Quang) - người chỉ huy Cụm tình báo chiến lược A18 - H63 chỉ đạo phải học giỏi tiếng Anh.

Sau đó, với khả năng tiếng Anh lưu loát và ngoại hình xinh đẹp, Mỹ Nhung dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn và được nhận vào làm phiên dịch trong cơ quan Hải quân Mỹ, thực chất là một cơ quan của tình báo Hoa Kỳ. Ở đó, cô lần lượt giúp việc, thông dịch cho các đời thiếu tá, cố vấn tình báo Mỹ.

Công việc chính của Mỹ Nhung ở văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân là dịch tài liệu, bao gồm cả những tài liệu mật. Những buổi trưa, cô thường lấy cớ về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi, để tranh thủ đem theo những tài liệu mật về nhà cho cụm trưởng Tư Cang chụp ảnh hoặc ghi lại, đến đầu giờ chiều lại mang vào Bộ Tư lệnh Hải quân, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Cũng không phải dễ dàng mà Tám Thảo trụ lại được ngay trong hang ổ cao cấp của Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ. Cô đã trải qua nhiều kỳ thử thách khốc liệt, thậm chí chúng dùng cả máy đo sự thật để kiểm tra “lòng trung thực” của cô. Nhờ sự bản lĩnh, trí thông minh và tài ứng phó, Tám Thảo đã chiếm trọn lòng tin của thiếu tá Tình báo Hải quân Mỹ và yên tâm làm việc trong Bộ Tư lệnh Hải của quân quân đội Sài Gòn.

Cách mà nữ tình báo Tám Thảo dùng để tạo vỏ bọc qua mặt hàng loạt mật thám, CIA Mỹ trong suốt thời gian dài chính là thái độ thân thiện, tính cách "phớt Ăng-lê" và hơi “chảnh” của tiểu thư con nhà tư sản. Để giữ phong cách “con gái nhà giàu” và có thời gian bắt liên lạc với cơ quan tình báo từ chiến khu, cô đã từng đập tay xuống bàn cự lại “sếp” của mình khi bị yêu cầu làm việc thêm ngoài giờ, ngày nghỉ dù tiền trả rất cao.

Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược A18 - H63 Tư Cang đánh giá  những tài liệu quan trọng mà Tám Thảo lấy được: “Đó thường là những hiểu biết, những đánh giá của tình báo Mỹ, của Tổng Tham mưu chính quyền Sài Gòn về lực lượng của ta, những phán đoán về ý đồ hành động của ta trong thời gian tới...”.

Trong công tác chuẩn bị chiến trường phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, và phục vụ cho trận đánh của biệt động, đặc công vào các mục tiêu của địch, Cụm tình báo A18 - H63 được cấp trên giao nhiệm vụ điều tra, cung cấp sơ đồ chi tiết, sự bố trí lực lượng phòng thủ bên trong của Bộ Tư lệnh Hải quân. Mỹ Nhung đã khôn khéo nhờ viên Thiếu tá Mỹ chỉ huy của mình bấm cho mình vài kiểu ảnh “kỷ niệm” ở các góc trong khu Bộ Tư lệnh Hải quân. Tên Thiếu tá, không hề biết rằng những việc mình làm đang tiếp tay cho “Việt cộng”.

Đêm 31/1/1968, cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân đã nổ ra. Cả nhà Tám Thảo đều thức dậy. Cô cùng Tư Cang nghe tiếng nổ mà phán đoán mũi tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân, Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu - QĐSG, sân bay Tân Sơn Nhất... Nước mắt Tám Thảo chảy tràn vì hạnh phúc.

Sau cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân, Tám Thảo vẫn tiếp tục đến làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân.

Nhờ thái độ thân thiện, sẵn sàng chia sẻ của Tám Thảo trong “sở làm” mà cô chiếm được cảm tình, lòng tin của nhiều sĩ quan, binh lính.  Cũng nhờ viên sĩ quan Phòng Tác chiến có mối cảm tình đặc biệt dành cho Tám Thảo mà cô thường xuyên biết được hoạt động ở bộ phận này. Vì vậy, cô đã đưa về rất nhiều tài liệu quý, xếp vào hàng tuyệt mật của địch, cung cấp những thông tin quý giá cho kháng chiến.

Có lần, cô nghe ngóng được một sĩ quan tình báo của mình cài vào lòng địch bị lộ, địch đang chuẩn bị lên kế hoạch bắt, cô đã báo cho cụm trưởng Tư Cang. Người sĩ quan đó ngay lập tức được đưa vào chiến khu.

n-tnh-bo-tm-tho-1969.jpg
 Nữ tình báo Tám Thảo năm 1969

Sau đó, vào năm 1970, Cục Tình báo Miền đã tổ chức sắp xếp đưa Tám Thảo vào chiến khu. Được sống giữa đồng đội, Tám Thảo nhanh chóng thích nghi những khó khăn vùng căn cứ. Năm 40 tuổi, cô kết hôn với người sĩ quan thông tin nhưng vì kết hôn quá muộn nên không thể có con.

Sau giải phóng, Tám Thảo là Phó chủ tịch phụ trách công tác tổ chức Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật TP.HCM. Bà là trung tâm đoàn kết cho hàng ngàn trí thức từ nhiều nguồn hội tụ về thành phố. Với vẻ đẹp dịu dàng, với lòng nhiệt tình, chân thành và chia sẻ, bà góp phần thuyết phục, giữ chân nhiều nhân tài cho đất nước trước làn sóng xuất cảnh dâng cao.

Giờ đây, khi người bạn đời của mình đã qua đời, niềm vui của bà là những buổi gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn thân, những người đồng đội năm xưa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm