BS Nhi khoa mách bố mẹ hai vị trí trên cơ thể trẻ bắt buộc phải được giữ ấm trong ngày đông

An Nhi
16/12/2020 - 15:35
BS Nhi khoa mách bố mẹ hai vị trí trên cơ thể trẻ bắt buộc phải được giữ ấm trong ngày đông
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khi thời tiết đột ngột chuyển lạnh, trẻ cần được mặc ấm vừa đủ, trong đó quan trọng nhất là cần phải được giữ ấm là tai và cổ.

Vài ngày gần đây, nhiệt độ giảm sâu khiến không khí lạnh bao phủ toàn miền Bắc, khu vực này chìm trong đợt rét đậm, đặc biệt vào đêm và sáng sớm. Đây cũng là kiểu thời tiết dễ khiến trẻ em mắc phải các bệnh về đường hô hấp như: cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản,… Tuy nhiên, chỉ cần bố mẹ để ý hơn một chút trong việc chăm sóc và giữ ấm cơ thể cho trẻ là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh trong mùa này, đặc biệt đối với những trẻ có hệ miễn dịch kém.

BS Nhi khoa mách bố mẹ hai vị trí trên cơ thể trẻ bắt buộc phải được giữ ấm trong ngày đông - Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Internet)

Giữ ấm cho trẻ đúng cách là như thế nào?

Mùa đông, việc giữ ấm cho cơ thể là điều cần thiết ai cũng biết, song giữ ấm như thế nào là đúng cách thì không phải ai cũng biết.

Thông thường, nhiều bố mẹ nghĩ rằng, trời lạnh thì càng mặc nhiều quần áo sẽ càng ấm. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, chỉ cần cho trẻ mặc ấm vừa đủ, nhưng hai vị trí bắt buộc phải được giữ ấm che chắn, bảo vệ kĩ là cổ và tai.

Dưới đây là một số nguyên tắc trong việc giữ ấm cho trẻ trong những ngày đông bố mẹ nên lưu ý để chăm sóc trẻ theo khuyến cáo của PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai:

BS Nhi khoa mách bố mẹ hai vị trí trên cơ thể trẻ bắt buộc phải được giữ ấm trong ngày đông - Ảnh 2.

Tai và cổ là hai vị trí trên cơ thể trẻ bắt buộc phải được giữ ấm trong ngày đông, BS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh. (Ảnh: Internet)

- Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài, trong trường hợp bắt buộc phải đi thì nên cho trẻ mặc ấm, tránh để gió thổi trực tiếp vào người của trẻ. Đồng thời tránh cho trẻ đến những nơi đông người và không thoáng khí.

- Tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột để tránh sốc nhiệt. Để làm được điều này, trước khi đi ra ngoài, bố mẹ có thể cho trẻ mặc nhiều lớp áo để dễ dàng cởi bỏ nếu cảm thấy nóng bức, tránh để trẻ ra mồ hôi hoặc mặc lớp ngoài quá dày rồi rơi vào tình trạng khi cảm thấy nóng cởi ra có thể bị nhiễm lạnh. Sau đó bố mẹ cần mở cửa từ từ để làm quen dần với nhiệt độ bên ngoài.

- Những ngày đông, dù lạnh thì việc giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ vẫn là điều phải làm. Các bố mẹ có thể không nhất thiết phải tắm hằng ngày cho trẻ, chỉ cần 2-3 lần/tuần là được, song vẫn cần lau rửa và thay quần áo sạch sẽ để tránh các bệnh về da khác.

Bên cạnh các biện pháp giữ ấm cơ thể cho trẻ, bố mẹ cũng có thể phòng ngừa các bệnh hô hấp cho trẻ bằng cách dùng nước muối ấm nhỏ vào mũi để rửa sạch và cho trẻ súc miệng hàng ngày. Đồng thời cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ, trẻ cần được ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch, kháng lại các loại virus gây bệnh. Theo đó, bố mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều rau xanh, các loại hoa quả giàu vitamin C và bổ sung các thực phẩm từ trứng, sữa,…

Không chỉ thế, bố mẹ cũng cần lưu ý việc bổ sung nước đầy đủ cho trẻ để nâng cao hệ miễn dịch. Bởi, khi cơ thể đủ nước sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, vào mùa đông, đây lại là điều bị nhiều người bỏ quên.

BS Nhi khoa mách bố mẹ hai vị trí trên cơ thể trẻ bắt buộc phải được giữ ấm trong ngày đông - Ảnh 3.

Uống nước là việc cần thiết phải làm, song tuyệt đối không nên cho trẻ uống nước vào ba thời điểm: Ngay sau khi vận động nhiều, sau khi ăn và trước khi đi ngủ. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chú ý tới việc tiêm phòng các bệnh đã có vắc-xin cho trẻ như: cúm, sởi, ho ga, viêm phổi do phế cầu,… Do hệ miễn dịch còn khá yếu so với người lớn nên trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để ngăn ngừa các tác nhân có thể gây hại cho cơ thể của trẻ.

Đặc biệt, khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức để bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh, ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh dẫn đến những khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh, đe dọa sức khỏe của con người. Đây thực sự là một vấn đề gây nhức nhối cho ngành y tế của nước ta khi Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện, đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm