Bữa ăn của con không còn là “cực hình”

04/08/2015 - 17:26
Mất hàng tiếng đồng hồ đi rong để bé ăn hết 100ml sữa, nhưng ở những thìa cuối cùng, bé lại trớ hết. Đó thực sự là một “cuộc chiến” để đưa thức ăn vào dạ dày cho con”, chị Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) chia sẻ

Chị Thúy (32 tuổi) là cán bộ tại Trung tâm y tế dự phòng của một huyện ở ngoại thành Hà Nội. Chồng chị quê gốc Nam Định nhưng sau 4 năm cùng học đại học tại Nha Trang, anh chị quyết định làm đám cưới và chuyển ra Hà Nội sinh sống. 2 năm sau, con gái đầu lòng của anh chị chào đời.

Chị kể: “Tôi tìm hiểu mọi kiến thức liên quan đến sức khỏe trong quá trình thai kỳ. Ăn gì tốt cho cả mẹ và bé, nên vận động như thế nào, dưỡng thai ra sao và các dấu hiệu để nhận biết một vài triệu chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai… Rất may, mọi thứ đều suôn sẻ, bé được sinh thường, nặng 3,2kg. Song, ngay từ tháng đầu tiên, bé liên tục bị trớ khi ăn. Ban đầu, tôi rất sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển và cân nặng của bé, nhưng may là bé vẫn chơi ngoan và tăng cân đều. Tìm hiểu mới biết, bé bị chứng trào ngược dạ dày thực quản”.

Bữa ăn "cực hình" của mek con chị Thúy (Ảnh chụp 7/6/2014)

Do chị làm gần nhà và cơ quan có chế độ ưu tiên đối với phụ nữ nuôi con nhỏ nên chị có khá nhiều thời gian để chăm con. Dẫu vậy, đối với người mẹ trẻ này, mỗi lần cho con ăn là một cuộc vật lộn để giúp bé giữ được thức ăn trong dạ dày. Chị bảo: “12 tháng đó là nỗi ám ảnh lớn đối với tôi kể từ sau khi sinh bé. Ăn vào là trớ, bế kiểu gì bé cũng trớ. Nhiều khi cho con ăn tới vài lần mới thành công, lúc đó nước mắt mình cứ trào ra thôi”.

Sau khi hỏi kinh nghiệm từ những người bạn và tìm hiểu các tài liệu liên quan tới trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ trên internet, chị Thúy dần trở thành “bác sĩ nghiệp dư” để xử lý các tình huống khi con bị trớ. Thay vì cho bé ăn 3 tiếng/lần, chị chia nhỏ khẩu phần ăn và tăng số lần cho ăn, gối đầu cao cho con sau khi ăn… Dù vậy, tình trạng trớ của con gái chị vẫn không mấy được cải thiện. Chị nhớ lại: “Sợ nhất là tình trạng bé thở khò khè, rồi chuyển qua viêm họng, ho, sốt… Nhớ lúc bé được gần 11 tháng, chỉ trong vòng 1 tháng, tôi phải đưa bé tới Bệnh viện Nhi Trung ương 4 lần để khám và điều trị. Lần nào tới bác sĩ cũng kêu chụp lại phim phổi của bé, tới lần thứ 3, xót quá, tôi mếu máo: “Bác sĩ đừng bắt con em chụp nữa!”, họ mới chịu lấy phim cũ để chẩn đoán và kê đơn thuốc”.

Vợ chồng lục đục vì… cho con ăn

Lấy cho chúng tôi xem một tập hồ sơ bao gồm những tấm phim chụp phổi, các tờ kê đơn thuốc với kháng sinh liều cao… của bé Khánh Ly vừa bước sang tuổi thứ 2, chị Thúy bộc bạch: “Nếu bố mẹ không kiên nhẫn thì không thể vượt qua được “ải” gian khó này. Chồng tôi đi làm bận rộn, nhưng tối về cũng phụ vợ… làm trò để con vui lúc ăn, may ra bé không bị trớ. Nhiều khi vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” cũng chỉ vì cho con ăn lại trớ ra. Có bữa, cho con ăn đến lần thứ 3 nhưng vẫn bị trớ hết, xót con nên tôi tiếp tục bón thêm, chồng thấy vậy bèn to tiếng, quát tôi không nên cho ăn nữa. Đang mệt mỏi vì con, chồng lại không đồng cảm, tôi giận chồng cả tuần không nói chuyện. Nhưng nghĩ kỹ, tất cả cũng vì con, nếu không hiểu, thông cảm và cùng chia sẻ với nhau, vợ chồng rạn nứt chỉ vì chuyện cho con ăn là điều khó tránh khỏi”.

Tuy nhiên, theo chị Thúy, triệu chứng nôn trớ mà con gái chị mắc phải trong suốt 1 năm đầu tiên chỉ là những dấu hiệu của trào ngược thực quản sinh lý, bởi “bé vẫn tăng cân đều và tự hết sau 1 tuổi. Bây giờ bé ăn uống bình thường, hiếm lắm mới bị trớ”. Cũng theo kinh nghiệm của chị Thúy, việc nhận biết trào ngược thực quản ở trẻ là sinh lý hay bệnh lý khá đơn giản.

Chị Thúy chia sẻ: “Thông qua tìm hiểu và kinh nghiệm từ bản thân, tôi thấy, nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, bú đều đặn, không bị khò khè tái đi tái lại… thì có thể chỉ là trào ngược sinh lý, sẽ giảm dần theo thời gian, thường thì chậm nhất là ở thời điểm 1 tuổi. Song, nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi, hoặc chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng là trào ngược đã có biến chứng, trở thành bệnh lý”.


Bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú (khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM)

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nếu hiện tượng này xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, sau ăn và không gây triệu chứng gì thì được gọi là trào ngược sinh lý. Còn trào ngược bệnh lý có tần suất xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây ra triệu chứng lâm sàng với nhiều mức độ khác nhau.

Cha mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược sinh lý chỉ là nhất thời trong giai đoạn đầu đời của trẻ, thường là sẽ tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Vì vậy, việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé. Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao. Không ép trẻ ăn nhiều mà nên chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết.

Nếu trong giai đoạn nhũ nhi, dưới 12 tháng, hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản có các dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé như: Chậm tăng cân, ói kéo dài, không hấp thu thức ăn, khò khè kéo dài, viêm phổi tái đi tái lại hoặc viêm đường hô hấp trên, ói ra máu… Phụ huynh cần đưa bé đến các phòng khám Nhi hoặc các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để được đánh giá và điều trị.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm