Bữa cơm có cả gia đình là quá 'xa xỉ' với người phụ nữ này

05/10/2016 - 21:00
“Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước một bữa cơm sum họp có chồng, có vợ, có các con bên nhau. Đó là món quà vô giá với mỗi gia đình của bộ đội đặc công chúng tôi” - Thiếu tá Phạm Vũ Bình tâm sự.

Người phụ nữ có gương mặt đẹp như hoa mang quân hàm Thiếu tá Phạm Vũ Bình, là Trợ lý Công đoàn – Phụ nữ của Binh chủng đặc công thoáng phút nghẹn ngào khi nhắc đến nỗi thiếu vắng chồng ở mái ấm nhỏ trong nhiều năm qua. Gương mặt mộc mạc, không chút son phấn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp hiền hậu, ánh mắt kiên định và một nghị lực đã giấu kín của người vợ có chồng cũng là lính đặc công.

“Là vợ chồng đến nay đã tròn 20 năm, nhưng để tính dồn lại thì tôi và anh ấy có 6 cái Tết được cùng nhau ở nhà” – chị Bình bộc bạch. Chị cho biết, ngay dịp Tết năm 2016 vừa qua, 2 vợ chồng chị bị trùng lịch trực ở đơn vị, anh trực ở đơn vị Bình Dương, chị ở đơn vị Hà Nội, nên chẳng có cách nào khác là chị giao nhiệm vụ cho cậu con lớn ở nhà thay mẹ nấu cơm cúng 30 Tết và ngày 1 Tết gia tiên.

Chồng chị, anh Đặng Quý Dương, Trung tá, tham mưu phó Lữ đoàn đặc công 429, cứ khoảng vài 3 tháng mới về thăm nhà 1 lần. Con gái chị có lần vui sướng ôm cổ ba thủ thỉ: “Ba ơi, con chỉ muốn ba đưa con đến trường 1 lần để cô giáo và các bạn ở lớp con biết mặt ba…”. Nghe con nói ước muốn tưởng như rất đơn giản ấy, nhưng chưa bao giờ anh làm được cho con. Vì khi được về phép vào cuối chiều thứ 6, thì nửa đêm anh mới về tới nhà, chiều chủ nhật, anh lại lên đường về đơn vị, khoảng thời gian anh ở nhà đều là ngoài giờ đến trường của các con.

Với chị Bình, mỗi khi về đến nhà, trút bỏ bộ quân phục của bộ đội đặc công trên người, chị ngay lập tức khoác lên mình trọng trách của một người vừa làm bố, vừa làm mẹ.

chibinh.jpg
 Thiếu tá Phạm Vũ Bình mỗi khi về đến nhà, trút bỏ bộ quân phục, chị ngay lập tức khoác lên mình trọng trách của người vừa làm cha, vừa làm mẹ.

Thiếu tá Bình cười nhẹ nhàng: “Trước đây, anh Dương nhà tôi đóng quân ở Lữ đoàn 113, chỉ cách nhà 2 km, nhưng hầu như Tết năm nào cũng chỉ có 3 mẹ con đón Tết với nhau. Anh lúc đó liên tục phải trực chiến, không thể chạy về nhà dù chỉ mươi phút”. Mấy năm gần đây, anh được đơn vị thuyên chuyển công tác vào Bình Dương, may lắm vài 3 tháng anh được ghé về thăm nhà một lần vào ngày cuối tuần. 

Hồi các con còn nhỏ, khi con gái thứ 2 mới 1 - 2 tuổi, cháu thường xuyên phải đi bệnh viện cấp cứu. Con phải nằm viện lâu quá, chồng cũng không thể nghỉ phép, vì đơn vị chỉ tạo điều kiện cho vợ nghỉ chăm con ốm. Vì vậy, có lúc chị phải thuê phòng dịch vụ để đưa cậu con lớn đến ăn ngủ ở bệnh viện cùng mẹ, vì ở nhà không nhờ được ai trông con giúp trong thời gian lâu như vậy. Còn anh, dù rất thương vợ con thì cũng phải vài ngày mới chạy ào đến bệnh viện ghé thăm con chốc lát rồi về đơn vị ngay.

Không ít lần, con ốm nặng, mẹ con chị tự bế nhau đi bệnh viện, khi nào khỏi lại bế con về nhà, anh vẫn chưa kịp đến thăm con. “Nhưng đó chưa phải lúc tôi cảm thấy tủi thân nhất. Mà đó là lần 3 mẹ con đi xe khách về quê anh ở Nam Định ăn Tết. Tôi bế con gái nhỏ và ôm một bọc đồ, còn cậu con lớn cũng cố xách giúp mẹ túi đồ khác. Lếch thếch xuống xe, rồi lại lên xe mấy chặng mới về tới quê, có người nhà xe thắc mắc: “Ôi chị kia, sao không có chồng mà đẻ tới 2 con cơ à?”. Lúc đó sao mà tủi thân quá, cổ tôi cứ nghẹn đắng, chỉ muốn khóc mà không dám khóc…” – chị Bình nghẹn ngào nhớ lại.

“Tôi cứ tự động viên mình hết lần này đến lần khác rằng, mình vẫn hạnh phúc hơn những người vợ lính khác. Chồng họ đóng quân ở biên giới, hải đảo, cả năm họ chưa gặp mặt nhau. Có chị, chồng đi mãi… không về. Tôi cứ nhìn vào gương chị em như thế để tiếp tục vươn lên”.

Chị khoe, may mắn là anh vừa được đơn vị cho chuyển công tác ra Bắc để gần vợ con hơn. 2 con ngoan, biết thương mẹ và tự lập từ nhỏ. Năm nay con trai lớn học lớp 12, con gái nhỏ lên lớp 9. Cho dù phải đảm trách khối lượng công việc khá lớn của Binh chủng giao, thậm chí chị phải đi công tác nhiều nơi, có đợt chị đi Trường Sa 2-3 tháng, có lần thì 1 – 2 tuần, chị đều nhờ 2 bà nội, ngoại giúp đỡ. Nếu không được thì 2 con tự ở nhà trông nhau, tự giác học bài.

Thiếu tá Bình tâm sự: “Là phụ nữ đặc công, để hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao, chị em chúng tôi ai cũng phải trang bị cho mình một nghị lực phi thường. Nghị lực và điểm tựa của chị em bắt đầu từ các con, và tương lai của chị em là sự phát triển của chồng, để các anh yên tâm công tác. Xác định rõ như vậy, chúng tôi thấy sự hy sinh của mình dẫu thầm lặng nhưng có nghĩa”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm