pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi, động viên trẻ em có người thân mất do Covid-19 tại quận 8, TPHCM. Ảnh: TTXVN phát
Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Đến nay, cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, tập trung nhiều nhất ở TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam .
Đại dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng rất lâu dài tới đời sống của các em; khiến trẻ bị gián đoạn học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng của trẻ em. Bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh: Các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đã tác động không nhỏ tới tâm lý cho trẻ em. Theo khảo sát, năm 2021, hàng nghìn trẻ em phải đi cách ly, điều trị không được ở cùng cha mẹ… dẫn đến trẻ em cảm thấy bị cô lập, căng thẳng tâm lý. Đặc biệt, không ít trẻ phải đối mặt với nguy cơ cao bị xâm hại. Các vụ việc trẻ tự tử hay uống thuốc ngủ liều cao thời gian qua cũng chính một phần do bí bức thời gian dài do dịch Covid-19 gây ra.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế và đời sống xã hội; trong đó trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ.
Qua đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, đảm bảo quyền trẻ em và tiến tới thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Đồng thời yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Trước ảnh hưởng của đại dịch, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt tác động của đại dịch đến trẻ em. Cụ thể, từ nguồn vận động xã hội hỗ trợ trẻ em là con sản phụ bị mắc Covid-19 là 1 triệu đồng/em; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ 5 triệu đồng/em; hỗ trợ trẻ mồ côi cả cha và mẹ do Covid-19 sổ tiết kiệm với định mức 20 triệu đồng/trẻ… Cùng với đó là triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19; Hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em…
Nhằm khắc phục những ảnh hưởng do dịch Covid-19 đối với trẻ em, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em;
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em. Tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua mô hình "Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em"; Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.
Ước tính có 7,35 triệu học sinh các cấp phải học trực tuyến thuộc 26 tỉnh, thành phố. Trong đó, việc học tập của nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập và nhóm trẻ em khuyết tật bị gián đoạn, do các em thiếu phương tiện để duy trì việc học tập trực tuyến…