Cả nước còn 10 triệu người chưa tham gia BHYT

01/07/2019 - 16:45
Hiện nay vẫn còn khoảng 11% dân số với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Phần lớn họ thuộc đối tượng được ngân sách hỗ trợ mức đóng từ 30% đến 70%, đặc biệt là đối tương tham gia theo hộ gia đình.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89%. Để đẩy mạnh phát triển đối tượng còn lại tham gia BHYT, theo các chuyên gia, cần phải phân tích theo từng nhóm đối tượng và nguyên nhân khiến họ chưa tham gia BHYT để có biện pháp khắc phục.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Hiện vẫn còn 11% dân số với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Trong đó, các đối tượng thuộc hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình… mặc dù đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ 30% - 70% nhưng tổng số người tham gia vẫn không cao.

Qua thực tế khảo sát của các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, theo ông Phạm Lương Sơn, không ít người nghèo, cận nghèo vẫn còn băn khoăn khi tham gia BHYT; đặc biệt là một bộ phận người nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn. Người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua BHYT, còn người cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70%. Vì vậy, không ít người cận nghèo vẫn muốn được xét là đối tượng nghèo để được cấp miễn phí thẻ BHYT.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế, mức đóng BHYT theo hộ gia đình vẫn là áp lực không nhỏ với gia đình cận nghèo. Trung bình mỗi hộ có 4 đến 5 nhân khẩu cùng tham gia BHYT, mặc dù đã có sự hỗ trợ thì số tiền phải đóng vẫn khá lớn so với thu nhập của người cận nghèo, người vùng sâu vùng xa.

Về đối tượng học sinh, sinh viên, theo ông Phạm Lương Sơn, tỷ lệ tham gia BHYT của đối tượng này đang cao hơn so với tỷ lệ tham gia BHYT bình quân chung. Tuy nhiên, ngay trong nhóm đối tượng này đang có sự chênh lệch về tỷ lệ tham gia giữa học sinh và sinh viên; giữa học sinh, sinh viên các vùng miền. Hiện, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp hơn so với học sinh. Theo thống kê từ BHXH các địa phương, các bạn sinh viên thường tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Chỉ riêng TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có khoảng 300.000 sinh viên chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của sinh viên thường khó khăn hơn học sinh khi phải tự trang trải cuộc sống, học hành và tâm lý tuổi trẻ, cậy khỏe chưa nghĩ đến bảo vệ sức khỏe bản thân...

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thời gian qua tăng nhanh nhưng cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc sức khỏe cũng như trách nhiệm cộng đồng còn có những hạn chế. Nhiều người chỉ lựa chọn tham gia BHYT khi ốm đau, bệnh nặng. Mặt khác, tại một số địa phương chưa có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành với việc phát triển đối tượng tham gia BHYT...

Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Để đạt được kết quả như mong muốn, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện đến các cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia BHYT.

Trong đó, phía BHXH Việt Nam đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế xã hội. Cùng với đó, mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thêm thuận lợi. Đề xuất, nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, nhóm đối tượng khó thúc đẩy tham gia BHYT nhất là người dân ở các hộ gia đình kinh doanh tự do và đặc biệt là các hộ cận nghèo, hộ nông lâm ngư nghiệp, diêm nghiệp mà có mức thu nhập trung bình thấp.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, cần phải tính toán để hỗ trợ thêm những đối tượng nói trên, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để cho người lao động, người dân hiểu rằng sức khỏe vô cùng quan trọng; nhằm thay đổi nhận thức, xóa tình trạng “trẻ mang sức khỏe đi kiếm tiền nhưng già thì mang tiền đi mua sức khỏe”. Cạnh đó cũng nâng cao ý thức tham gia BHYT là có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và trách nhiệm với cộng đồng.

 

Tuyên truyền, vận động đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa tham gia BHYT

 

Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ người tham gia BHYT sẽ đạt mục tiêu như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra là: Đến năm 2020, Việt Nam phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.

Cụ thể, xét theo 5 nhóm đối tượng quy định tại Luật BHYT thì: Nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng có khoảng 13,4 triệu người tham gia. Nhóm do tổ chức BHXH đóng (người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng) khoảng 3,1 triệu người. Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công với cách mạng, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; đối tượng bảo trợ xã hội…) khoảng 34,2 triệu người. Nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng (hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình…) đạt 17,1 triệu người. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình khoảng 16,7 triệu người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm