pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cả nước tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng hàng hoá nông sản an toàn
HTX thu hút được được 3,28 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất hàng hoá nông sản. Ảnh minh hoạ
Tại Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển với chủ đề Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX diễn ra ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: Hiện nay, khu vực HTX đang có khoảng 7 triệu thành viên và đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.
Đặc biệt, tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cũng đã gia tăng đáng kể, từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Tuy nhiên, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế. Hoạt động hợp tác, liên kết giữa DN và nông dân chủ yếu vẫn là thoả thuận mua bán. Việc tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm, tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế thấp…
Ông Dương Thái Trung, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, kết nối hàng hoá nông sản vẫn còn những hạn chế, nhất là khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu. Đồng thời, cơ chế hiện chưa hấp dẫn nên khó thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Dương Thái Trung cho rằng, cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online.
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, thu hút ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng thời khuyến nghị các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai Chương trình bình ổn thị trường, bình ổn giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định...